Hơn nửa thế kỷ qua, giữa thủ phủ cà phê nhộn nhịp, nghệ nhân Y Mip Ayun vẫn trầm lắng mải mê thổi vào nhạc cụ dân tộc bằng tình yêu, lòng đam mê. Ông đã cống hiến cả tuổi trẻ, góp công đầu đưa âm hưởng, linh hồn của âm nhạc Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế. Mỗi ngày, bắt đầu từ những việc nhỏ, ông bền bỉ nhen nhóm ngọn lửa đam mê của mình cho thế hệ trẻ.
Hồi sinh nhạc cụ
Tôi gặp nghệ nhân Y Mip Ayun, thường gọi là Ama Kim (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), vào một buổi sáng mát dịu trong Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Người đàn ông mái tóc đã nhuốm màu mây trời, ngồi lặng lẽ một góc sắp xếp từng loại nhạc cụ dân tộc, bên cạnh là một nghệ nhân khác đang miệt mài đan gùi.
|
Nghệ nhân Y Mip biểu diễn một bản nhạc cho các bạn sinh viên nghe |
Ở tuổi 80, nghệ nhân Ama Kim như con tằm mải mê thổi hồn nhạc cụ dân tộc. “Trước đây còn sức khỏe, đi biểu diễn đây đó, chế tác được nhiều, nay già rồi, con mắt không còn tỏ, cái tay không còn vững nữa, nhưng tôi vẫn miệt mài chế tác, vì cả đời gắn bó với nhạc cụ dân tộc, là máu thịt của tôi”, nghệ nhân bộc bạch.
Nghệ nhân Y Mip Ayun đã cùng đội chiêng buôn Kô Siêr đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài nước như: Campuchia, Lào, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Italia… Ông cũng từng đoạt rất nhiều danh hiệu, giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2007, Y Mip Ayun được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. |
Ông không nhớ mình đã chế tác chính xác số lượng bao nhiêu, nhưng nói đến nhạc cụ nào, ông kể say sưa từng chi tiết. Theo ông Ama Kim, nhạc cụ dân tộc không đơn thuần chỉ là nhạc cụ mà nó còn chứa đựng tâm linh, tình cảm con người và hồn núi rừng. Mỗi nhạc cụ được ông thổi vào đó bằng tình yêu, lòng đam mê.
Đôi tay phong trần qua mấy mươi mùa rẫy, cầm chiếc sáo lên, bản nhạc réo rắt tha thiết như tiếng lòng nghệ nhân già, khiến người nghe chìm vào một không gian thơ mộng của núi rừng huyền bí. Bản nhạc kết thúc, ông trầm ngâm, chất giọng khàn đục vang lên. Ông cho rằng, giữa bộn bề cuộc sống, sự phát triển của văn minh đô thị đã len lỏi vào từng buôn làng, hình ảnh các chàng thanh niên đánh chiêng, các cô gái nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa bên những ché rượu cần đã dần phai nhạt. Dòng chảy thời gian cuốn theo bao nhọc nhằn bởi sự mưu sinh đã khiến văn hóa truyền thống đang dần mai một, ông không khỏi day dứt khi nhạc cụ dân tộc dần bị lãng quên. Bởi thế, nghệ nhân già lại ngày đêm miệt mài chế tác.
|
Nghệ nhân Y Mip (trái) chế tác nhạc cụ |
Ngược dòng thời gian, ông nhớ lại, ngày ấy, cậu bé Y Mip được đắm mình trong thanh âm nhạc cụ dân tộc, tiếng cồng chiêng vang dội núi rừng, những đêm bập bùng ánh lửa bên ché rượu cần, trong nếp nhà dài nghe các già làng kể sử thi. Tất cả điều đó đã ngấm vào máu thịt và theo Y Mip lớn lên từng ngày.
Ngày ấy, thời gian rảnh, Y Mip đến nhà các nghệ nhân, già làng trong buôn để học đánh chiêng và chơi nhạc cụ. Say mê tiếng chiêng, đinh năm đến mức cứ nghe người lớn đánh là nhớ giai điệu rồi về tự tập, tự học như thế, dần dần cậu bé biết sử dụng hầu hết các loại nhạc cụ.
Được thừa hưởng những bí truyền của người cha với đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sỹ nên Y Mip càng say đắm với âm nhạc truyền thống dân gian Êđê. Lớn lên, chàng trai bắt đầu mày mò nghiên cứu từng đặc điểm và sự cấu tạo nên chuỗi âm thanh từng loại nhạc cụ dân tộc mình. Càng đi sâu tìm hiểu, Y Mip càng thích thú. “Đó còn là tâm linh của đồng bào Êđê đối với nhạc cụ truyền thống, tiếng cồng, chiêng, tiếng đing pút, đing năm trầm hùng trong những đêm lễ hội đưa con người đến gần thần linh hơn”, ông nói. Khi mới bắt đầu chế tác, Y Mip học cái đơn giản, sau đó đến các nhạc cụ phức tạp, khó hơn. Năm 30 tuổi, Y Mip đã biết chế tác trên chục loại nhạc cụ của dân tộc Êđê như: Đing năm, ching kram, đàn goong,… Bộ chiêng 7 chiếc nhỏ nhắn được chế tác bằng nắp thùng phuy là sản phẩm sáng tạo và tài hoa của chàng trai núi rừng.
Ông nhớ, ngày đó, khi mới ngoài 30 tuổi mình đã tự nghiên cứu phục chế thành công một số nhạc cụ thông qua sự mô tả về hình dáng, cấu tạo, âm thanh, cách diễn tấu trong trí nhớ của già làng. Nhờ vậy, nhiều nhạc cụ thất truyền đã được hồi sinh từ tình yêu của Y Mip.
Nỗi lo nối nghiệp
Không khí sôi động bởi tiếng nói cười của từng đoàn người tham quan Bảo tàng Đắk Lắk. Một nhóm bạn trẻ ngồi xuống cạnh Ama Kim, mong muốn được nghe một bản nhạc do ông biểu diễn. Giữa muôn trùng âm thanh ồn ã, hiện đại, những thanh âm đơn giản, như tiếng gió rít, tiếng núi rừng lại mang đến sự thích thú, hào hứng cho người nghe. Bạn Nguyễn Hồng Vy, sinh viên trường ĐH Tây Nguyên thổ lộ, âm thanh đơn giản nhưng không hề đơn điệu, nghe rất quyến rũ, da diết và nồng nàn.
Giọng Ama Kim bỗng trở nên sang sảng, ánh mắt rạng ngời, nói rằng, cuộc đời ông có thêm nhiều niềm vui khi làm ra âm thanh trầm bổng và vang xa hơn. Nhiều đoàn tham quan trong và ngoài nước lặn lội đến buôn nhỏ nơi ông sống để chiêm ngưỡng, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo từ những nhạc cụ tinh xảo. Qua cách Ama Kim bộc bạch, ta cảm nhận trong con người ông phải có một tình yêu đặc biệt với nét đẹp văn hoá tinh thần của dân tộc mình mới khiến người ta đủ kiên nhẫn tạo nên linh hồn của nhạc cụ.
Ama Kim cười, bằng giọng ấm áp nói về nhạc cụ dân tộc một cách gần gũi, có những nhạc cụ mà không một trường lớp nào dạy mình được, chỉ có những nghệ nhân dân gian sở hữu nhạc cụ đó mới có thể truyền lại. Hơn nửa đời người gắn bó với nghề, đôi bàn tay tài hoa của ông đã cho ra đời không biết bao nhiêu nhạc cụ. “Làm nghề gì cũng đòi hỏi có tâm, nhất là với một nghề gắn với tính dân tộc như thế này. Đối với nhạc cụ tôi phải làm cho tới khi ưng bụng mới thôi. Chế tác đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, và sự cầu kì trong khi làm cũng như sự tinh tường trong thẩm âm”, Ama Kim tâm niệm.
Trong cuộc sống hiện đại, sự phát triển và giao thoa cũng như sự du nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại lai, lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà để tiếp thu học hỏi, phát huy nét đẹp văn hóa. Mỗi khi nghĩ đến người nối nghiệp, nét mặt người nghệ nhân già lại hiện lên những trầm lắng, suy tư.
Theo Nguyễn Thảo (TPO)