Y, bác sĩ xuyên Tết chăm sóc sức khỏe người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong không khí vui Xuân đón Tết, các y, bác sĩ tại các bệnh viện ở Gia Lai vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng trực đảm bảo khám chữa bệnh, cấp cứu kịp thời cho người dân.

Bệnh viện Đa khoa Gia Lai là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, không chỉ tiếp nhận khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Vì vậy các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu luôn thường trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Từ tối giao thừa, số ca đến cấp cứu tại Khoa bắt đầu tăng, đa số là bệnh nặng và nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, pháo nổ. Các y, bác sĩ làm việc liên tục từ tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau.

Nhân viên y tế Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) chăm sóc cho một bệnh nhân đến cấp cứu trong đêm giao thừa. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên y tế Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) chăm sóc cho một bệnh nhân đến cấp cứu trong đêm giao thừa. Ảnh: Như Nguyện

Dù không phải ca trực nhưng bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) đã có mặt tại Khoa trong đêm giao thừa để động viên nhân viên y tế. Bác sĩ Thuấn cho biết: Tua trực gồm 11 người, trong đó có 2 bác sĩ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. “Chúng tôi xác định dịp lễ, Tết công việc sẽ nhiều hơn, áp lực hơn nhưng khi đã chọn nghề y thì chấp nhận việc đón Tết tại bệnh viện để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mọi người đều đã quen với điều đó và chuẩn bị sức khỏe và tinh thần làm việc phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất”.

Đối với bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) thì vợ chồng đều là bác sĩ nên hầu như Tết nào cũng đều đón Tết ở bệnh viện là chính. Bác sĩ Trang chia sẻ: Ai cũng mong Tết được sum họp cùng gia đình nhưng với các y, bác sĩ thì “vui Xuân không quên nhiệm vụ”, công việc trực vẫn phải đảm bảo.

Bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện

Bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện

“Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực chống độc là tiếp nhận toàn bệnh nhân nặng, nhiều trường hợp tiên lượng tử vong cao nên công việc áp lực, căng thẳng hơn bình thường nhưng mọi người quyết tâm, nỗ lực vì người bệnh. Đã chọn nghề y dù có vất vả như thế nào thì mọi người vẫn luôn yêu nghề kính nghiệp và gắn bó với nghề mình đã chọn. Trong cái vất vả đó thì niềm vui khi một bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện là động lực để các bác sĩ và nhân viên y tế tiếp tục cống hiến”-bác sĩ Trang cho hay.

Y, bác sĩ Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) đón Tết tại bệnh viện và chụp ảnh lưu niệm tại khoa ngày mùng 1 Tết. Ảnh đơn vị cung cấp
Y, bác sĩ Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) đón Tết tại bệnh viện và chụp ảnh lưu niệm tại khoa ngày mùng 1 Tết. Ảnh đơn vị cung cấp

Nhiều năm công tác trong ngành Y, bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh-Trưởng khoa Khám bệnh- Hồi sức Cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) tâm sự: Chúng tôi đã lên lịch trực xuyên suốt trong dịp Tết. Điều dưỡng trực theo ca, kíp; bác sĩ trực 24/24 giờ. Công tác trực cũng khá vất vả, nhất là dịp Tết do tình trạng cấp cứu tăng cao, các tai nạn như tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn, tỷ lệ các mặt bệnh cũng tăng nhiều so với ngày thường.

“Công tác trong ngành Y đã nhiều năm nhưng chưa một năm nào tôi đón tết trọn vẹn bên gia đình bởi phải thường xuyên trực Tết tại bệnh viện. Các y, bác sĩ đều chia sẻ công việc với nhau. Tâm lý ngày Tết ai cũng muốn sum họp bên gia đình nhưng do đặc thù của ngành Y tế nên y, bác sĩ phải chấp nhận hi sinh để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân. Chỉ mong những ngày Tết ít bệnh nhân để cán bộ, y, bác sĩ đỡ vất vả, không gặp nhiều áp lực…”-bác sĩ Hạnh nói.

Theo bác sĩ Hạnh, hiện nay tiền công trực của cán bộ, nhân viên y tế còn thấp nên tôi mong muốn có chế độ chính sách phù hợp cho ngành Y tế để mọi người yên tâm công tác.

Với điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Nghĩa-Trưởng phòng Điều dưỡng (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông), khi được phân công thì tất cả chúng tôi đều tham gia trực Tết đầy đủ và làm hết khả năng của mình đối với công việc được giao. Bên cạnh chăm sóc, khám chữa bệnh thì chúng tôi chia sẻ và động viên người bệnh, giúp họ an tâm ở lại bệnh viện điều trị bệnh trong dịp Tết và có tinh thần phấn khởi, vui tươi dù phải đón Tết tại bệnh viện.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Ảnh: Như Nguyện

Tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê có trên 70 bệnh nhân phải nằm điều trị lại trong dịp Tết. Tổ công tác xã hội của đơn vị đã huy động Mạnh Thường Quân và cán bộ, nhân viên y tế đóng góp tổ chức thăm, tặng quà, động viên bệnh nhân trước thềm năm mới. Ngoài ra, chi tiền hỗ trợ của UBND tỉnh cho các bệnh nhân nằm lại điều trị trong dịp Tết (150.000 đồng/3 ngày Tết). Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cho hay: Các y, bác sĩ đều vui tươi, sẵn sàng làm nhiệm vụ xuyên Tết. Chúng tôi mong mọi người tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, giữ sức khỏe đón Tết an lành, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.