Xuôi về đường 7 năm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đường 7 rất nổi tiếng bởi gắn liền với “cơn lốc” tháng 3-1975, làm đổi thay bao nhiêu số phận con người. Và hàng năm, khi cây rừng trên đèo Tô Na chuyển từ màu xanh biếc lộc sang màu xanh đậm, họ vẫn còn nghe như có tiếng ầm ì đạn bom đâu đây. 
Đã có quá nhiều bài viết về cuộc tháo chạy kinh hoàng của địch trên con đường này 47 năm trước. Cả thường dân nữa! Những cuộc chia ly, vợ mất chồng, mẹ mất con; máu và nước mắt và cả những hành động anh hùng, con đường đều chứng kiến!
Đường 7 của 47 năm trước...
Sau thất bại ở Buôn Ma Thuột, địch đã lên kế hoạch rút quân về đồng bằng để “bảo toàn lực lượng”. 13 giờ ngày 15-3-1975, cuộc di tản của Quân đoàn II ngụy khỏi Tây Nguyên chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã. Thiết đoàn 19 và Lữ đoàn 6 Biệt động quân mở đường từ Pleiku đi Phú Túc. Tiếp đó là bộ phận còn lại của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, Bộ Tư lệnh Lữ đoàn II Kỵ binh thiết giáp, các đơn vị bộ binh, hậu cần. Sáng 16-3, đội thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự hơn 2.000 chiếc kèm hơn 2.000 phương tiện giao thông dân sự đã đến được Cheo Reo. Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 Quân đội nhân dân Việt Nam) là đơn vị đầu tiên được điều động hành quân suốt đêm từ quận Thuần Mẫn (tỉnh Đak Lak) sang lập chốt chặn ở phía Nam thị xã Cheo Reo. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã có ngay một kế hoạch chặn đánh địch trên đường số 7, sử dụng toàn bộ lực lượng Sư đoàn 320, Tiểu đoàn Xe tăng 2 (Trung đoàn 273), Trung đoàn Pháo binh 675, Trung đoàn Cao xạ 593 và 2 tiểu đoàn quân địa phương.
Sáng 17-3, địch chạm súng với lực lượng Tiểu đoàn 9. Quân ta áp sát đường 7 từ cầu Cây Sung đến đèo Tô Na. Sau khi ta đánh sập cầu Sông Bờ không cho địch quay trở lại Pleiku, cả một đoàn xe khổng lồ bị dồn ứ lại trên đoạn đường hơn 10 cây số từ cầu Sông Bờ đến đèo Tô Na. Từ chiều 17 đến sáng 18-3, địch sử dụng Lữ đoàn 7 Biệt động quân có sự yểm hộ của không quân, pháo binh và thiết giáp nhưng đều bị quân ta đẩy lùi. Trưa ngày 18, địch điều Lữ đoàn 25 Biệt động quân cùng Lữ đoàn 2 Thiết kỵ từ tuyến sau vượt lên mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường. Cùng thời điểm này, các đơn vị pháo binh của ta bắt đầu pháo kích vào các vị trí đóng quân tạm thời của địch ở Cheo Reo. 17 giờ, địch được lệnh phá bỏ tất cả các chiến cụ nặng. 9 giờ sáng 19-3, các đơn vị của địch bị vây tại Cheo Reo chấm dứt kháng cự, chỉ có Thiết đoàn 9 và Liên đoàn 16 Biệt động quân tháo chạy về được Củng Sơn (Phú Yên) với ít thiệt hại thương vong nhất.
Mùa vàng trên thung lũng Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương
Mùa vàng trên thung lũng Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương
Toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên đã được giải phóng hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước năm 1975!
Quốc lộ 25 hôm nay
Gần 5 thập niên đã qua, trước sức tàn phá của thời gian, nhiều chứng tích trên đường 7 đã không còn dấu vết. Nhưng với những người đã từng tham gia chiến đấu cũng như tham gia trong cuộc di tản năm 1975 đều không quên. Đã 47 năm, nhưng đến giờ, ông Nguyễn Tổng-giáo viên dạy Trường Trung học Bồ Đề (Kon Tum) trước năm 1975 vẫn còn nhớ như in: Ngày hôm ấy (18-3-1975), trời nóng như thiêu như đốt, thung lũng Cheo Reo như chiếc chảo lửa, hút cái nóng từ trên cao rồi đổ ra. Đoàn xe dài không biết đến đâu là dứt. Súng nổ liên hồi. Người, xe ken chặt đường. Chiếc xe Jeep của ông nhích lên từng thước một. Đến quá chiều thì ông đành bỏ xe lại, theo dòng người tiếp tục cắt rừng đi về phía Đông.
Mới đây, có dịp trở lại đường 7, bây giờ là quốc lộ 25, ông Tổng không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của nơi này. Con đường là một đại lộ thênh thang. Ngay đoạn đầu sông Ayun, một con đập lớn chắn ngang dòng hình thành công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Như một tình yêu mãnh liệt mà chung thủy, sông Ba luôn ôm ấp con đường và làm giàu lên những khu dân cư hai bên trước khi đổ nước ra Biển Đông. Thung lũng Cheo Reo lưa thưa rừng khộp khi xưa giờ trở thành cánh đồng mênh mông với bạt ngàn ruộng lúa và ruộng mía xanh non. Những buôn làng xơ xác năm nào thay bằng những khu dân cư sầm uất. Phú Thiện, Ayun Pa, Phú Túc, Đồng Cam, Phú Hòa, Tuy An… những tên đất, tên đồng gợi lên sự ấm no, trù phú. Chưa hết, quốc lộ 25 có một vị trí cực kỳ quan trọng bởi đây là con đường huyết mạch nối liền một vùng kinh tế năng động miền Trung với khu vực Bắc Tây Nguyên và cả vùng Đông Bắc Campuchia, Nam Lào. Không chỉ đảm nhiệm vai trò lưu thông, con đường còn là một địa chỉ quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam bởi nó gắn liền những di tích lịch sử nổi tiếng một thời: Vũng Rô, Tô Na, Cheo Reo.
Thời gian đã làm lành những vết thương trên con đường máu lửa năm xưa. Điểm khởi đầu và điểm cuối của quốc lộ 25-đường 7 đã hoàn toàn thay đổi. Không còn là cứ điểm quân sự quan trọng của Vùng II, Quân khu II của chế độ cũ, Pleiku là một thành phố năng động và hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Gia Lai đang vươn ra khu vực với các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu như: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su cùng nhiều loại nông sản có giá trị. Thành phố biển Tuy Hòa cũng phát triển không kém khi trở thành địa chỉ du lịch và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của cả nước. Đường 7, chứng nhân lịch sử, nơi soi rọi lương tâm và thử thách lòng dũng cảm đối với những ai đã từng sống trong thời khắc lịch sử tháng 3-1975 mãi mãi đều không thể quên những đau thương, mất mát lẫn hào hùng.
Như mọi năm, tháng 3 năm nay dọc đường 7 đỏ rực cờ và hoa.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.