Xứng danh Cảnh sát Hình sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) là một trong những đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc trong đấu tranh trấn áp tội phạm. Trong đó, sự kiên trì, mưu trí của các trinh sát là yếu tố then chốt để phá án thành công, đưa các đối tượng ra chịu tội trước pháp luật.
Lật mặt đối tượng lừa đảo
Một ngày trung tuần tháng 4-2021, sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng gặp được Trung tá Đinh Văn Sơn-Đội trưởng Đội Phòng ngừa, hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát Hình sự). Sau chuyến công tác dài ngày lần theo tội phạm tại các tỉnh phía Nam để điều tra một vụ án nên trông anh già hơn tuổi. Tập tài liệu dày hơn 15 cm là kết quả của quá trình điều tra vụ án hy hữu giả giọng nói của bị can để lừa đảo.
Theo hồ sơ vụ án, vào cuối tháng 2-2020, Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp nhận đơn của anh Nguyễn Công Thành tố cáo bị một đối tượng giả giọng nói của người em bà con là Tiêu Duy Dũng đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Nhiều lần đối tượng hỏi mượn hàng trăm triệu đồng để “chạy án”.
Mai Thế Dũng từng là bạn với Tiêu Duy Dũng. Khi biết Tiêu Duy Dũng bị Công an tỉnh bắt về tội giết người, Mai Thế Dũng liền nghĩ ra âm mưu lừa đảo những người thân trong gia đình bạn tù. Từ tháng 2 đến đầu tháng 3-2020, đối tượng này thu thập thông tin về tên tuổi, số điện thoại những người thân của bị can Tiêu Duy Dũng.
Chưa đầy 1 tuần vào cuộc, các trinh sát đã xác định được đối tượng chủ mưu trong vụ lừa đảo này là Mai Thế Dũng (34 tuổi, trú tại TP. Kon Tum). Trung tá Đinh Văn Sơn cho biết: “Trong quá trình điều tra, chúng tôi xác định đối tượng Mai Thế Dũng sử dụng sim rác và giả giọng gọi điện cho người thân của Tiêu Duy Dũng với lý do vay mượn tiền “chạy án” và bồi dưỡng cho cán bộ trại tạm giam để được tạo điều kiện trong quá trình giam giữ. Tin lời của Mai Thế Dũng, anh Nguyễn Công Thành và Phan Tài Danh đã chuyển tổng cộng 135 triệu đồng. Thấy ngon ăn, sáng sớm 5-3-2020, đối tượng này tiếp tục gọi điện cho anh Thành nói rằng lâu nay không liên lạc được vì bị quản gắt quá. Vì vậy, nếu nộp thêm 300 triệu đồng thì sẽ được giảm nhẹ đến mức thấp nhất.
Tuy nhiên, Mai Thế Dũng không ngờ rằng anh Thành đã nghi ngờ và trình báo cơ quan Công an. Khi đối tượng này vừa nhận tiền từ anh Thành tại một quán cà phê ở TP. Pleiku thì các trinh sát ập vào bắt quả tang và thu 3 điện thoại di động, 2 sim điện thoại là công cụ, phương tiện để Dũng sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kiên quyết truy bắt tội phạm
Nói về công cuộc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự-cho biết: Những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp. Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an địa phương, Công an các tỉnh, đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá nhiều vụ đánh bạc trên mạng; lừa đảo bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau…Trong đó có nhiều vụ án được khám phá thành công, mang lại niềm tin đối với các cơ quan, tổ chức và người dân.
Thượng tá Trần Trọng Sơn (thứ 2 từ phải sang; Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh) nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an. Ảnh: Hữu Trường
Thượng tá Trần Trọng Sơn (thứ 2 từ phải sang; Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh) nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an. Ảnh: Hữu Trường
Đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát Hình sự liên tục nhận được đơn thư của giáo viên tại một số trường trong tỉnh tố cáo việc bị một đối tượng giả danh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo để lừa đảo. Nhận tin báo, lãnh đạo đơn vị đã giao cho Đội Phòng ngừa, hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài tổ chức các mũi trinh sát vào cuộc điều tra.
Đại úy Phạm Ngọc Hùng-cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự-cho biết: Sau hơn 1 tháng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã xác định danh tính đối tượng lừa đảo là Đinh Văn Thái (28 tuổi, trú tại thôn Phúc Độ, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Tuy nhiên, việc tìm Thái lại tốn rất nhiều thời gian, công sức. Khi tìm đến địa phương thì người thân cho biết Thái không về nhà. Đối tượng này đã có 2 tiền án về tội lừa đảo.
Cuộc truy tìm đối tượng kéo dài ròng rã hơn 11 tháng, trên địa bàn nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ rồi miền Tây Nam Bộ. Đến ngày 11-6-2020, các trinh sát hình sự mới bắt được Thái khi y đang trốn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đối tượng Đinh Văn Thái bị cac trinh sát hình sự bắt giữ
Đối tượng Đinh Văn Thái bị các trinh sát hình sự bắt giữ. Ảnh: Hữu Trường
Quá trình điều tra cho thấy, Thái sử dụng điện thoại truy cập vào trang web của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thu thập thông tin cá nhân của giáo viên. Sau đó, Thái sử dụng điện thoại gắn sim rác thực hiện cuộc gọi “hội nghị” (gọi nhiều người đàm thoại cùng lúc) gọi điện cho Ban Giám hiệu hoặc kế toán rồi kết nối với giáo viên giới thiệu là Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đang thanh tra hồ sơ tuyển dụng, công tác tài chính và cấp phát lương qua thẻ ATM của trường.
Cũng trong các cuộc gọi “hội nghị” này, Thái yêu cầu Ban Giám hiệu và giáo viên cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP để phục vụ công tác thanh tra. Sau khi có được thông tin, Thái dùng điện thoại truy cập vào tài khoản ngân hàng của các giáo viên để chiếm đoạt tiền. Bằng thủ đoạn này, trong khoảng thời gian ngắn, Thái đã chiếm đoạt gần 200 triệu đồng của nhiều giáo viên ở Gia Lai và một số tỉnh khác.
Vụ án khép lại, kẻ gây án đã phải trả giá 4 năm 6 tháng tù. Nhiều tập thể, cá nhân đã viết thư cảm ơn, gọi điện động viên tinh thần các trinh sát hình sự không quản ngại khó khăn, vất vả để điều tra làm rõ vụ án và truy bắt đối tượng. Đây cũng là động lực để mỗi cán bộ, điều tra viên Phòng Cảnh sát Hình sự phát huy tinh thần trách nhiệm lập nhiều thành tích xuất sắc.  
HỮU TRƯỜNG

Có thể bạn quan tâm