Xuất khẩu rau quả phục hồi, hướng đến mục tiêu 8 tỷ USD năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Sau giai đoạn sụt giảm đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang phục hồi rõ nét, với kim ngạch sau 7 tháng năm 2025 ước đạt hơn 3,83 tỷ USD. Đây là kết quả của sự phục hồi mạnh mẽ từ mặt hàng sầu riêng và đà tăng trưởng từ các loại trái cây chủ lực, như: dừa, xoài chế biến, chanh leo.

Tăng trưởng trở lại sau thời gian trầm lắng

Theo số liệu sơ bộ, tháng 7-2025, xuất khẩu rau quả đạt 731,4 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giảm nhẹ 9,4% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch toàn ngành ước đạt hơn 3,83 tỷ USD, chỉ còn giảm 2,2% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức giảm gần 30% hồi đầu năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh ngành từng rơi vào trạng thái sụt giảm sâu. Sự phục hồi này có đóng góp lớn từ mặt hàng sầu riêng, loại trái cây từng tạo nên bước ngoặt xuất khẩu năm 2023. Nguồn cung đạt chuẩn, tỷ lệ tồn dư cadimi thấp tại các vùng trồng trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cùng với kiểm soát chất lượng từ khâu thu hoạch đến đóng gói đã giúp mặt hàng này quay trở lại các thị trường chủ lực như Trung Quốc và Thái Lan.

Dừa, xoài, chanh leo tăng tốc, thị trường Mỹ bứt phá

Cùng với sầu riêng, các sản phẩm như dừa, xoài chế biến, chanh leo cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý, giá dừa Việt Nam tăng mạnh từ 1,21 USD/kg trong năm 2022 lên 7,26 USD/kg trong năm nay, nhờ nhu cầu toàn cầu tăng cao đối với các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu sinh học từ dừa. Hoa Kỳ bắt đầu nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam vào năm 2023, sau Trung Quốc, và hiện cả các nước Trung Đông cũng đẩy mạnh thu mua.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với kim ngạch tăng 166% so với cùng kỳ, chiếm 8,42% thị phần, tăng so với 5% của năm trước. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 52,62% tổng kim ngạch, dù đã giảm so với mức 65% cùng kỳ năm 2024.

Một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan cũng duy trì đà tăng ấn tượng từ 10% đến 70% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan giảm lần lượt 24% và 29%, do áp lực từ các rào cản kỹ thuật.

1.jpg
Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam/VnE

Đẩy mạnh chế biến và mở rộng thị trường

Tại Hội nghị xuất khẩu rau quả ngày 18 - 7 tại TP HCM, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nhận định chuối và chanh leo là hai nhóm trái cây chủ lực tiếp theo. Chuối Việt Nam hiện đã có mặt tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ và Trung Quốc. Chanh leo cũng đang trong quá trình đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ và đã hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật gửi tới Hàn Quốc, Thái Lan.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, triển vọng phục hồi trong nửa cuối năm 2025 được củng cố bởi bốn yếu tố:

Thứ nhất, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.

Thứ hai, tiến độ cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói được đẩy nhanh, đồng thời nhiều rào cản kỹ thuật được tháo gỡ qua đối thoại song phương.

Thứ ba, tăng trưởng ổn định tại các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, nhất là với các sản phẩm chế biến sâu.

Thứ tư, tỷ trọng hàng chế biến ngày càng tăng, giúp giảm phụ thuộc vào trái cây tươi, tăng khả năng bảo quản và giảm rủi ro từ biến động thị trường.

2.jpg

Triển vọng tăng tốc vào mùa cao điểm cuối năm

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 7-2025 ước đạt 234,6 triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,435 tỷ USD, tăng 16,9%.

Dù xuất khẩu sầu riêng giảm trong nửa đầu năm, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy ngành rau quả có thể bứt phá vào mùa cao điểm cuối năm, khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng cao, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chế biến vì tính tiện lợi và giá trị gia tăng. Đây sẽ là hướng đi cần được chú trọng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng chỉ đạo tập trung khơi thông thị trường cho sầu riêng, mặt hàng chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024. Việc giải quyết các rào cản kiểm dịch thực vật và thúc đẩy cấp mã vùng trồng sẽ là chìa khóa phục hồi xuất khẩu vào Trung Quốc trong những tháng tới.

Với nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2024 (đạt 7,12 tỷ USD), cùng sự phục hồi tích cực hiện nay, nhiều chuyên gia tin rằng, ngành rau quả Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đạt mục tiêu 8 tỷ USD trong năm 2025 nếu duy trì đà tăng và tiếp tục mở rộng thị trường theo hướng bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng: Động lực phát triển sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng

Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng: Động lực phát triển sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng

(GLO)- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng, trong đó có nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng áp dụng và kéo dài thời gian áp dụng đến hết ngày 31-12-2026. Đây là động lực để phát triển sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.

Vì một nền thương mại sạch

Vì một nền thương mại sạch

Lực lượng chức năng triệt phá các đường dây buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả với quy mô lớn; hàng loạt vụ vứt bỏ hàng hóa nghi hàng gian, hàng giả; nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội sa lưới luật pháp vì trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng…

'Thiên đường' hàng giả: Bán công khai rầm rộ, xử lý như ném đá ao bèo

'Thiên đường' hàng giả: Bán công khai rầm rộ, xử lý như ném đá ao bèo

Phải đến khi cơ quan công an vào cuộc triệt phá, hàng loạt tài khoản Tiktoker nổi tiếng mới bị phát lộ là kênh bán hàng giả, hàng nhái. Vấn đề đặt ra là trong thời gian qua, hàng giả, hàng nhái buôn bán rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử nhưng dường như việc phát hiện, xử lý... rất nhỏ giọt.

Sau những cánh cửa đóng kín

Sau những cánh cửa đóng kín

Giữa năm, không phải dịp lễ, Tết, nhưng hàng nghìn ki-ốt, cửa hàng từ bắc chí nam đồng loạt đóng cửa, nghỉ bán. Phía sau những cánh cửa đóng kín, im lìm ấy là sự chối bỏ lạnh lùng trước những nỗ lực làm minh bạch nguồn gốc hàng hóa đưa vào thị trường.

null