Xử lý nghiêm lao động người nước ngoài không phép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 474 lao động người Trung Quốc, Đài Loan đang làm việc tại các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh nhưng không có giấy phép lao động.
Theo Kết luận số 26/KL-TTr ngày 21-9-2021 của Thanh tra tỉnh về việc thanh tra hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với lao động người nước ngoài tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Từ tháng 6-2020 tới nay, UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chấp thuận 538 vị trí công việc sử dụng lao động người nước ngoài. Trong đó, giám đốc điều hành là 13 vị trí, chuyên gia 206 vị trí, lao động kỹ thuật 319 vị trí. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện đúng quy định về trình tự tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Đến nay, Sở đã tiếp nhận 50 lượt hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với lao động là người Trung Quốc, Hàn Quốc và đã cấp 27 giấy phép cho 25 lao động người Trung Quốc, 2 lao động người Hàn Quốc đến làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương thì hiện có 500 lao động người Trung Quốc, Đài Loan làm việc tại các dự án nhà máy điện gió tại thị xã An Khê và các huyện: Kông Chro, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa. Trong khi đó, từ tháng 6-2020 đến nay, chỉ có 27 lao động người nước ngoài được cấp giấy phép lao động. Trong số này có 3 giấy phép lao động đã hết hạn, 1 trường hợp lao động người Trung Quốc đã kết hôn với người Việt Nam nên không cần xác nhận, không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Như vậy, hiện có 473 lao động người Trung Quốc và 1 lao động người Đài Loan đang làm việc tại các địa phương nhưng không có giấy phép lao động.
Thi công Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Lê Anh
Thi công Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Lê Anh
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ: Việc chấp hành pháp luật của một số nhà thầu, doanh nghiệp trong tuyển dụng, sử dụng và đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn hạn chế; nhiều lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các dự án sau đó mới đề nghị cấp giấy phép lao động hoặc không đề nghị cấp giấy phép lao động. Dù Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng một số doanh nghiệp vẫn vi phạm. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đã xử phạt 9 đơn vị và Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xử phạt 15 đơn vị với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Ngày 27-9 vừa qua, UBND tỉnh đã có Công văn số 1399/UBND-NC chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu về lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu kịp thời báo cáo giải trình việc sử dụng lao động người nước ngoài để UBND tỉnh xem xét chấp thuận, đảm bảo trình tự thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài; yêu cầu các doanh nghiệp, nhà thầu thực hiện nghiêm việc tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài theo quy định; các chủ đầu tư dự án giám sát nhà thầu về việc tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài. Đối với hành vi không tuân thủ pháp luật lao động Việt Nam của lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được xử lý, người lao động vi phạm vẫn đang tiếp tục làm việc tại các dự án gây ảnh hưởng đến công tác quản lý cư trú, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm