Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý thông tin thuê bao di động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ TTTT đang tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các biện pháp với mục tiêu đến ngày 31/8, cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng thuê bao đó.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Tuyền thông chiều tối 8/8, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã thông tin nhiều nội dung liên quan đến việc ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan..., thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; giải pháp xử lý cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, cũng như trên không gian mạng.

Góp phần tạo lập dịch vụ di động văn minh, an toàn

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đã có 56 Sở Thông tin và Truyền thông gửi báo cáo hoặc kết luận thanh tra về quản lý thông tin thuê bao. Tám đoàn thanh tra do Bộ thành lập đã kết thúc thanh tra trực tiếp, hiện đang tổng hợp kết quả thanh tra.

Kết quả sơ bộ thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động cho thấy ngoài việc vẫn còn tình trạng một thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn, nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ tư trở lên.

Để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan..., thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM (trên 10 SIM).

Làm rõ thêm về kết quả xử lý các thông tin thuê bao trên 10 SIM, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Tính đến ngày 19/7 vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng cùng với sự ủng hộ, phối hợp của người dân, khách hàng, việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM) không đúng quy định đã thu được những kết quả tích cực.

Đến giữa tháng Bảy, theo số liệu các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với 100% thuê bao đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.

Đến nay, với việc truyền thông mạnh mẽ của các nhà mạng thông qua hình thức nhắn tin, gọi điện chăm sóc khách hàng, đề nghị người sử dụng đến điểm giao dịch để ký lại hợp đồng nếu sở hữu trên ba SIM, đã có 80% số SIM của các chủ thuê bao có trên 10 SIM đã được xử lý.

Bộ đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến ngày 31/8 tới cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.

Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục chung tay truyền thông để người sử dụng dịch vụ viễn thông di động thấy được việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là bảo vệ chính quyền lợi của mình; đồng thời khuyến cáo người dùng khi mua SIM nhưng lại đứng tên người khác sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, bởi, SIM không chỉ để sử dụng các dịch vụ nhắn tin, hay gọi điện mà còn được dùng vào nhiều dịch vụ khác liên quan tới tài chính, kinh tế, giao dịch điện tử...

Khách hàng đến đăng ký cập nhật thông tin thuê bao tại quầy giao dịch của Vinaphone. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Khách hàng đến đăng ký cập nhật thông tin thuê bao tại quầy giao dịch của Vinaphone. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Vì quyền lợi của chính mình, người sử dụng cần sớm chuẩn hóa thông tin thuê bao theo hướng dẫn của các nhà cung cấp dịch vụ di động, góp phần chung tay cùng các nhà mạng tạo lập được dịch vụ di động văn minh, an toàn.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nhằm hạn chế, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Tần số Vô tuyến điện, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone) thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp lực lượng Công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng này.

Chung tay phòng, chống lừa đảo trực tuyến

Đối với các thông tin phản ánh về cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao, cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, nhằm hạn chế, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.

Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Tần số vô tuyến điện, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp lực lượng Công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng này.

Trả lời câu hỏi về kết quả triển khai Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" được triển khai diện rộng từ ngày 23/6 đến 23/7, đại diện Cục An toàn Thông tin cho biết Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành, phối hợp tích cực của đông đảo cơ quan đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.

Đặc biệt với sự chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, KOL, những người có sức ảnh hưởng giúp phủ sóng thông tin rộng rãi trên không gian mạng. Ngoài ra, còn có sự đồng hành của các thành viên liên minh, bao gồm VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, TikTok, Cốc Cốc...

Nhân viên VNPT xử lý cập nhật thông tin thuê bao cho khách hàng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên VNPT xử lý cập nhật thông tin thuê bao cho khách hàng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cũng theo đại diện Cục An toàn Thông tin, việc phòng chống lừa đảo trực tuyến là câu chuyện lâu dài và trường kỳ. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn, xử lý tình trạng lừa đảo trực tuyến, thời gian tới Cục An toàn Thông tin sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền các nội dung mới, phối hợp thực hiện các hoạt động, hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về an toàn thông tin nói chung, lừa đảo trực tuyến nói riêng.

Cụ thể như: Xây dựng sổ tay online với các kiến thức nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho từng đối tượng người dân; phát triển các game câu đố, xây dựng tình huống về lừa đảo trực tuyến giúp tăng độ tiếp cận, dễ hiểu, dễ ghi nhớ; thực hiện các video, mẩu truyện cung cấp kiến thức về lừa đảo trực tuyến, phát động các nhà sáng tạo nội dung, KOL cùng tham gia tạo độ phủ sóng trên mạng xã hội.

Đồng thời, Cục An toàn Thông tin cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình thực hiện các bản tin, phóng sự nhằm truyền tải mạnh mẽ tới đông đảo người dân.

Đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà báo có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, truyền tải thông tin, kiến thức hữu ích tới người dân, giúp nâng cao nhận thức về an toàn thông tin nói chung và lừa đảo trực tuyến nói riêng.

Việc tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong thời đại số hóa.

Cục An toàn thông tin mong có sự phối hợp tích cực từ các cơ quan báo chí, góp phần chung tay phòng, chống lừa đảo trực tuyến và bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Có thể bạn quan tâm