Xử lý dứt điểm bệnh khảm lá vi rút hại mì ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11 là yêu cầu của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 385/SNNPTNT-TTBVTV nhằm mục đích phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì niên vụ 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 5 huyện, thị xã phát hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì gây hại với diện tích hơn 145,2 ha tại các huyện: Ia Pa 49,3 ha, Phú Thiện 60,5 ha, Krông Pa 17,7 ha, Chư Pưh 14,7 ha và thị xã Ayun Pa 3 ha. Giống nhiễm bệnh chủ yếu là KM419, HL-S11, K98/5. Đến nay, các địa phương đã tiêu hủy 135,5 ha, diện tích nhiễm bệnh còn lại trên đồng ruộng là 9,6 ha.
 Người dân chăm sóc mì cao sản. Ảnh: L.N
Người dân chăm sóc mì cao sản. Ảnh: L.N


Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: “Để chủ động phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì, các địa phương cần triển khai biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về việc nhập giống mì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giống mì bị nhiễm bệnh vào địa bàn. Riêng đối với huyện Krông Pa, khẩn trương thu hoạch những diện tích mì đang bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút trên đồng ruộng, tiêu hủy ngay nguồn bệnh sau khi thu hoạch. Còn tại huyện Ia Pa, cần khoanh vùng diện tích mới phát hiện bị nhiễm bệnh, vận động nhân dân tiêu hủy ngay khi cây mì mới bị nhiễm bệnh, tránh lây lan ra diện rộng”.


Theo kế hoạch năm 2019-2020, toàn tỉnh trồng khoảng 65.000 ha mì, trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ia Pa 7.500 ha, Krông Pa 18.230 ha, Kông Chro 7.000 ha, Ia Grai 3.900 ha, Mang Yang 4.590 ha, Chư Prông 5.100 ha, Kbang 2.900 ha, Chư Pah 2.680 ha, Phú Thiện 1.390 ha, Đak Pơ 2.150 ha… Để phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì trong niên vụ 2019-2020, ngành Nông nghiệp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của bệnh khảm lá vi rút hại mì và các giải pháp phòng trừ dịch bệnh.  
Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai sản xuất vụ Đông Xuân, UBND huyện đã họp các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất, triển khai các giải pháp phòng-chống hạn, phòng-chống dịch bệnh… Đồng thời, chỉ đạo cho các xã, nhà máy mì tập trung hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân chọn giống sạch bệnh, sản xuất đúng thời vụ, theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Quan điểm của huyện là tuyệt đối không trồng giống mì HL-S11 vì tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao. “Ngoài ra, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Công an huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán giống cây trồng lưu thông trên địa bàn. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh năm trước, người dân đã chuyển đổi qua trồng cây điều và liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao để trồng chuối tiêu hồng. Diện tích còn lại đang bỏ đất trống để chờ mưa xuống thì trồng đậu, mè”-ông Hùng cho biết thêm.
Tương tự, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cũng cho hay: “Niên vụ trước, người dân mua giống mì trôi nổi trên thị trường nên xảy ra bệnh khảm lá vi rút hại mì với diện tích hơn 60 ha. Do đó, ngay từ đầu vụ này, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh khảm lá vi rút hại mì và khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh vụ trước, người dân phải luân canh để cách ly nguồn bệnh vì mầm bệnh vẫn còn trong đất. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán giống cây trồng dạo trên các tuyến đường, không để tình trạng đưa giống từ nơi khác vào địa bàn”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong niên vụ  2018-2019, trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên xuất hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì gây thiệt hại hơn 145 ha. Do đó, bước vào niên vụ này, nông dân nên chuyển những diện tích trồng mì bị nhiễm bệnh khảm lá do vi rút năm trước sang trồng các loại cây khác như: bắp, đậu đỗ, mía... ít nhất 1 năm. Trước khi xuống giống nên làm đất kỹ và để đất đủ độ ẩm mới tiến hành trồng. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11, hạn chế sử dụng giống mì KM419, K98-5 và nên sử dụng giống KM94. Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá mì.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.