Xét xử gian lận điểm thi Sơn La: Phó giám đốc sở chỉ đạo xoá dấu vết?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tại phiên tòa vụ gian lận điểm thi sáng nay 15-10, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, khai khi thanh tra Bộ GD-ĐT kiểm tra, Phó giám đốc sở Trần Xuân Yến đã yêu cầu bị cáo tải phần mềm về để xóa dấu vết.
Sáng nay 16-10, TAND tỉnh Sơn La xét xử sơ thẩm vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT 2018 ở tỉnh này tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Qua quá trình thẩm vấn các bị cáo cấp dưới tại phiên toà sáng nay cho thấy ông Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GĐ-DT Sơn La) giữ vai trò chủ chốt trong vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La. Theo đó, mỗi người một vai trò phối hợp thực hiện từ sửa bài thi đến xóa dấu vết để hợp thức hoá tránh bị phát hiện.
 
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga
Tại phiên toà sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng khảo thí) tiếp tục khẳng định trước khi kỳ thi diễn ra, ông Yến đã gọi lên phòng hỏi về cách nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Từng tham gia tổ chức các kỳ thi trước đó, bà Nga nói chỉ có cách sửa đáp án rồi quét lại trên máy tính thì mới can thiệp được vào kết quả.
Bà Nga trao đổi kế hoạch sửa bài thi với bà Cầm Thị Bun Sọn (phó phòng chính trị tư tưởng), Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá), Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Lò Văn Huynh (trưởng phòng khảo thì và quản lý chất lượng giáo dục)… Sau đó, các bị cáo đã thống nhất sẽ cùng nhau rút bài thi các môn trắc nghiệm mang khu vực chấm thi về nhà Đặng Hữu Thuỷ để sửa nâng điểm rồi trả về vị trí cũ, xóa file ảnh đã quét và quét lại file ảnh mới.
Theo Nguyễn Thị Hồng Nga, khi thanh tra Bộ GD-ĐT kiểm tra, ông Trần Xuân Yến gọi bị cáo đến nhà nói rằng dữ liệu trong thùng rác vẫn có thể khôi phục. Cựu phó giám đốc sở cho Nga xem phần mềm trên mạng và yêu cầu tải về để xóa dấu vết. Trước khi xóa sạch dữ liệu trên máy tính, các bị cáo đã in ra đĩa 16 CD để giao cho ông Yến. Về động cơ để sửa bài thi nâng điểm, bị cáo Nga trả lời do cả nể và quan hệ cấp trên cấp dưới.
 
Bị cáo Trần Xuân Yến
Tuy nhiên, đối chất với lời khai này, cựu phó giám đốc Sở GĐ-ĐT Sơn La cho rằng ông cũng không nhất trí cáo buộc của cơ quan tố tụng cáo về trách nhiệm, hành vi đã nêu trong cáo trạng. ông Yến khai không nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh như cáo trạng quy kết.
Theo đó, bị cáo chỉ nhờ xem trước điểm và không đồng thuận, không cho phép các bị cáo khác sửa bài thi. Ngoài ra, ông Yến cũng phủ nhận việc chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga xóa dữ kiệu trên máy tính.
Theo lời khai, chiều 30-6-2018, ông Trần Xuân Yến khai chiều đưa cho bà Nga danh sách 13 thí sinh do ông Hoàng Tiến Đức (cựu giám đốc sở GD-ĐT Sơn La), Nguyễn Ngọc Hà (trưởng phòng giáo dục trung học) và một số người khác chuyển đến để nhờ xem điểm. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo không nhận được thông tin điểm số từ bà Nga. "Do nể nang thủ trưởng và đồng nghiệp nhờ nên chuyển cho Nga. Mong muốn của gia đình là biết điểm sớm"- ông Yến giải thích về việc xem điểm sớm và khẳng định mình không hưởng lợi vật chất từ việc nhờ xem điểm thi.
Theo bị cáo Yến ngày 19-7, bị cáo này nhận được túi đĩa này nhưng không rõ số lượng, nội dung bên trong. Một ngày sau, khi Bộ GD-ĐT kiểm tra thấy dữ liệu còn nguyên vẹn nên ông Yến mang lô đĩa ra nghĩa trang tiêu hủy.
Nguyễn Hưởng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chư Sê: Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Nông dân Chư Sê tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT), các cấp Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.