Hiện chị đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trà hoa hòe Phú Thiện để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đất cằn nở hoa
Dưới cái nắng như đổ lửa những ngày đầu tháng 4, vườn hoa hòe xanh mướt của gia đình chị Nhung như một điểm nhấn nổi bật giữa vùng đất Ia Ptau khô cằn sỏi đá.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn hoa hòe đang tỏa hương thơm ngát, chị Nhung chia sẻ về quyết định đầy táo bạo của mình cách đây 2 năm. Khi ấy, toàn bộ diện tích này được trồng lúa, mì, mía. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi, giá cả nông sản bấp bênh nên thu nhập chẳng đáng là bao.
Sau khi tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương trong tỉnh, nhận thấy cây hoa hòe dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại cho thu hoạch lâu dài, giá cả ổn định nên chị đã bàn với chồng chuyển đổi 3 ha sang trồng loại cây này.

Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, diện tích hoa hòe bị úng nước, héo rũ và chết hàng loạt khiến chị mất trắng hơn 200 triệu đồng. Không nản chí, chị cải tạo toàn bộ diện tích, đào rãnh cao và xuống giống lại.
Trời không phụ người có công, sau 1 năm, cây hoa hòe bắt đầu ra hoa, cho thu hoạch 1 tuần/lần. Thấy được hiệu quả, vợ chồng chị tiếp tục chuyển đổi toàn bộ 10 ha đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây hoa hòe, trong đó có 8 ha tại huyện Phú Thiện và 2 ha tại huyện Chư Sê. Với mô hình này, gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và việc làm thời vụ cho khoảng 15-20 lao động địa phương.
Chị Nhung đúc rút kinh nghiệm: Cây hoa hòe không quá kén đất. Tuy nhiên, đất phải thoát nước tốt. Cây rất ít bị sâu bệnh và có thể cho thu hoạch 10 năm mới cần trồng lại. Để tiết kiệm công chăm sóc, chị Nhung lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời cho toàn bộ diện tích.
“Sau 2 năm trồng và chăm sóc, tôi có thể khẳng định cây hoa hòe rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Hiện toàn bộ diện tích hoa hòe bắt đầu cho thu bói khoảng 1,5 tạ hoa khô/lần thu hái. Với giá bán 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 40 triệu đồng/tháng. Khi cây hoa hòe đạt 3 năm tuổi trở lên, thu nhập có thể tăng lên gấp 2-3 lần hiện tại”-chị Nhung nhẩm tính.
Xây dựng thương hiệu
Từ chỗ bán thô, đầu năm 2025, chị Nhung bắt tay vào sản xuất trà hoa hòe. Nụ hoa được chị thu hái từ khi nhỏ như hạt gạo vì đây là thời điểm nụ hoa chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe nhất. Sau khi nhặt sạch cọng, lá, chị sấy nóng khoảng 30-40 phút rồi phơi lại trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời trước khi đóng gói. Nhờ vậy, trà có màu vàng tự nhiên, hương thơm dịu nhẹ. Sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp cao, giảm căng thẳng và cải thiện tuần hoàn máu.

Bình quân khoảng 4 kg nụ hoa tươi sau khi sấy khô sẽ thu được 1 kg trà. Để thuận tiện cho người tiêu dùng, chị đóng gói sản phẩm theo 3 mức: 250 gram, 500 gram và 1 kg với giá bán 200 ngàn đồng/kg.
Hiện chị đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện năm 2025 nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trà hoa hòe, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chị Nhung cho hay: Nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, vừa qua, vợ chồng chị quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Đức Thành Đạt gồm 8 thành viên do anh Đỗ Văn Nhân (chồng chị Nhung) làm Giám đốc. Mục tiêu của HTX là liên kết với các thành viên triển khai dự án trồng cây dược liệu trên diện tích khoảng 30 ha. Hợp tác xã cam kết cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tạo thành chuỗi liên kết khép kín.

Ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Thiện-cho biết: Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng cây hoa hòe của gia đình chị Nhung đã mang lại hiệu quả bước đầu. Sản phẩm trà hoa hòe đang được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Hiện HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Thành Đạt đang đi đúng hướng khi bắt tay với các thành viên xây dựng chuỗi liên kết khép kín trong trồng và chế biến sản phẩm từ nụ hoa hòe.
Với vai trò của mình, Phòng có trách nhiệm hỗ trợ gia đình chị Nhung cùng HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cũng như triển khai dự án. Mô hình được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho lao động tại chỗ, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.