Xây dựng thương hiệu khoai lang Lệ Cần: Nhu cầu bức thiết!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ khoai được giá, vụ này, có hộ ở xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) lãi hàng tỷ đồng từ ruộng khoai lang Lệ Cần. Hiệu quả kinh tế cao là vậy song việc xây dựng thương hiệu cho giống khoai đặc sản này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. 
Trồng khoai, thu lãi bạc tỷ
Từ lâu, khoai lang Lệ Cần đã trở thành đặc sản của vùng đất Tân Bình. Đặc biệt, sau khi Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ phục tráng thành công giống khoai lang Lệ Cần nguyên chủng vào năm 2012, đặc sản khoai lang Lệ Cần ngày càng được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ rộng mở đã tạo đà cho nông dân yên tâm đầu tư trồng giống khoai lang này.
Năm nay, hộ ông Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình) trồng 30 ha khoai lang Lệ Cần nguyên chủng. Để tránh việc thu hoạch đồng loạt gây áp lực tiêu thụ, ông trồng khoai thành nhiều đợt. Hiện nay, ông Trình đã thu hoạch được hơn nửa diện tích. “Năm nay, mưa nhiều khiến năng suất giảm 20-30% so với trung bình các năm, chỉ đạt 7-8 tấn/ha. Bù lại, giá bán khoai lang tại vựa đạt 8-10 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi tầm 30 triệu đồng/ha”-ông Trình phấn khởi nói.
Thu lãi “khủng” nhất trong số các hộ ở xã Tân Bình trồng khoai lang Lệ Cần phải kể đến ông Nguyễn Đình Trung (thôn 3). Nhờ thuê được diện tích đất cao su mới tái canh ở xã Tân Bình và một số xã lân cận, ông Trung đầu tư trồng hơn 50 ha khoai lang Lệ Cần. Đây cũng là năm đầu tiên ông Trung trồng khoai lang với diện tích lớn như vậy. “Hiện tại, tôi đã thu hoạch 25 ha, năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha, tôi thu lãi tầm 1,5 tỷ đồng từ vụ khoai này”-ông Trung cho biết.
 Nhân công thu hoạch khoai lang Lệ Cần tại diện tích của hộ ông Nguyễn Trình. Ảnh: L.H
Nhân công thu hoạch khoai lang Lệ Cần tại diện tích của hộ ông Nguyễn Trình. Ảnh: L.H
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất khoai lang diện tích lớn, một số hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy cày, máy vun luống, máy thu hoạch… Nhờ đưa cơ giới vào sản xuất, nông dân đã tiết kiệm được nhiều chi phí thuê nhân công lao động, từ đó tăng lợi nhuận. “Khoai lang Lệ Cần nổi tiếng bởi hương vị, chất lượng và giá trị dinh dưỡng nên thu hoạch tới đâu, thương lái mua tới đó. Giá cả lại rất ổn định nên người trồng yên tâm. Thị trường tiêu thụ khoai lang Lệ Cần không chỉ quanh khu vực mà hiện đã mở rộng ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đặc biệt, trồng khoai lang Lệ Cần không phải sử dụng nhiều phân bón, các loại thuốc phun chống sùng, thối củ nên khoai có thể lưu trữ được lâu mà không sợ hư hỏng như các giống khác”-ông Trình chia sẻ.
Trăn trở “đường dài”
Theo thống kê của UBND xã Tân Bình, trên địa bàn xã hiện chỉ có khoảng 50 ha khoai lang Lệ Cần, không kể diện tích người dân xã này canh tác tại một số địa bàn lân cận. Giống khoai lang Lệ Cần được những người dân di cư từ vùng đất Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) vào những năm 1957-1958 đưa tới gieo trồng tại xã Tân Bình. Loại khoai lang này thơm ngon đến độ, ăn một lần là nhớ mãi. Thi sĩ Xuân Diệu trong một lần ghé thăm vùng đất này, được người bạn thết đãi món khoai lang Lệ Cần, đã xúc cảm viết nên những câu thơ: “Tên gọi khoai lang giống Lệ Cần/Ruột không vàng lắm thoảng hơi thơm/Cũng không ngọt lắm mà sao lạ/Ăn mãi ngon lành như thể cơm…”. Vậy nhưng, vì sao giống khoai lang đặc sản này vẫn chỉ được phát triển với diện tích hết sức khiêm tốn? Nói về điều này, bà Bùi Thị Mỹ Dung-Chủ tịch UBND xã Tân Bình-chia sẻ: “Quỹ đất để mở rộng diện tích trồng khoai lang Lệ Cần tại địa bàn xã gần như không còn vì đã phủ kín bởi cà phê, cao su, hồ tiêu… Mặc dù lợi nhuận đem lại không hề nhỏ và chu kỳ canh tác ngắn nhưng khoai lang là loại cây ưa đất mới nên tìm quỹ đất trồng không phải là chuyện dễ. 2 năm trở lại đây, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang thực hiện tái canh một số diện tích cao su già cỗi trên địa bàn nên người dân có cơ hội tận dụng trồng xen khoai lang Lệ Cần trong diện tích cao su chưa khép tán”.
Mặc dù khoai lang Lệ Cần đã và đang được nhiều người quan tâm hơn, tuy nhiên, việc phát triển sản xuất giống khoai đặc sản này vẫn còn nhiều khó khăn. ông Nguyễn Trình nêu quan điểm: “Chúng tôi đã nghĩ đến việc tạo ra những sản phẩm chế biến sâu từ khoai lang Lệ Cần, như: khoai sấy, snack khoai lang, bánh tráng khoai, khoai lang ép… Khi có những sản phẩm khoai lang qua chế biến sẽ khắc phục được bài toán khó từ khâu bảo quản. Sản phẩm sau chế biến sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú và tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để sản phẩm có sức hút trên thị trường thì còn cần có thêm nhiều điều kiện khác, trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng được thương hiệu khoai lang Lệ Cần. Điều này giống như chiếc “hộ chiếu” để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, thuận lợi hơn”. 
Tại “Tuần lễ cỏ hồng và Hội chợ nông sản an toàn lần thứ II-2018” do UBND huyện Đak Đoa tổ chức, ông Trình cũng đưa sản phẩm khoai lang Lệ Cần của gia đình đến trưng bày, giới thiệu. Sắp tới, địa phương khuyến khích ông đưa sản phẩm khoai lang Lệ Cần đến trưng bày trong dịp Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018. “Hội Nông dân tỉnh đang hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình phát triển cây khoai lang Lệ Cần với tổng vốn khoảng 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, thực hiện tại 15 hộ thuộc 3 chi hội Nông dân các thôn. Nếu được triển khai, đây sẽ là động lực không nhỏ để nông dân xã Tân Bình gắn bó hơn với cây khoai lang Lệ Cần”-bà Nguyễn Thị Bảo Yến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình-cho biết.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.