Dán nhãn truy xuất nguồn gốc để giữ thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Bộ Công thương, pháp luật đã có các quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Chính cái “lỗ hổng” này đã khiến hàng giá rẻ Trung Quốc nhập vào Việt Nam được đưa về các chợ và “định danh” là hàng Việt Nam. Người tiêu dùng khi đến các chợ, thậm chí vào một số siêu thị mua hàng vẫn bị lừa vì không thể phân biệt đâu là “hàng ta” đâu là “hàng Trung Quốc”. Khoai tây là một loại nông sản giá rẻ, nhập vào từ Trung Quốc thì càng rẻ, nhưng khi về Đà Lạt được “tắm đất đỏ bản địa” và được gọi là khoai tây Đà Lạt, bán tới tận TP. Hồ Chí Minh. Đó là gian lận thương mại rõ ràng, nhưng chế tài xử lý thì thiếu rõ ràng. Vì vậy, tình trạng này cứ lặp đi lặp lại. Nói cho ngay, gian lận thương mại này tới từ những người buôn bán Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc. Chính người mình lại lừa người mình, chỉ vì hám lợi bất chính.
Khách hàng quét tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau mầm tại Siêu thị 3F. (ảnh: baokhanhhoa)
Khách hàng quét tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau mầm tại Siêu thị. (ảnh internet)
Tại sao chúng ta biết tôn trọng thế giới, mà không biết tự tôn trọng chính mình như vậy?
Bây giờ, không còn là lúc phân bua hay nói nhiều về “những việc cần làm ngay” nữa. Điều cần làm, bắt buộc phải làm là tất cả hàng hóa, từ xuất khẩu tới nhập khẩu, từ bán ra thị trường nước ngoài tới bán ở thị trường trong nước đều phải dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Thị trường trong nước chưa quen, rồi bắt buộc phải quen. Những người buôn bán nhỏ ở chợ, những siêu thị chưa quen với chuyện dán nhãn truy xuất này, rồi cũng bắt buộc phải quen. 
Đó là việc không thể làm xong trong ngày một ngày hai, vì thế phải bắt tay làm ngay. Chính Bộ Công thương phải làm trước, rồi các cơ quan chức năng bên dưới sẽ làm theo. Sắp xếp lại thị trường trong nước, hàng hóa trong nước bằng phân loại và dán nhãn truy xuất nguồn gốc là việc bất cứ quốc gia nào cũng phải làm nếu muốn hàng hóa nội địa của mình giữ được thương hiệu. Vì xem ra, chỉ có hàng nông sản thực phẩm giá rẻ từ Trung Quốc là được người buôn bán Việt Nam “hô biến” thành hàng Việt. Tại sao gạo Campuchia giá cao lại không thể biến thành “gạo Việt”. Đơn giản vì gạo Campuchia đã có thương hiệu, là “gạo xịn”, thì biến thành “gạo Việt” để mất giá hay sao? Còn lấy ví dụ như giống xoài Thái được trồng tại Việt Nam thì quả xoài sau thu hoạch sẽ không biết được gọi là xoài Thái hay xoài Việt Nam lại là chuyện… buồn cười khác. Giống trái cây hay rau củ quả nào, một khi đã trồng trên đất Việt Nam, đã được thuần hóa nhiều năm thì đương nhiên phải được coi chính danh là hàng Việt Nam, dù nó có xuất xứ ở đâu. Và phải có tên thuần Việt, chứ không thể gọi theo kiểu tây ta lẫn lộn.  
Xuất phát từ đây, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 của đoàn giám sát Quốc hội cũng khẳng định: “Rau, quả, thịt, thủy sản tươi sống phần lớn chưa có nhãn mác, thiếu dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm”. Đó cũng thuộc về trách nhiệm của Quốc hội, vì nó gắn với pháp luật. Phải có luật rõ ràng thì mới có nhãn mác rõ ràng. Phải quy định luật chung cho cả hàng xuất khẩu của Việt Nam và hàng Việt bán ở thị trường Việt Nam thì mới quản lý được hàng nội địa.
Đó là sự ủng hộ tốt nhất cho người sản xuất Việt Nam.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.