Xây dựng thương hiệu nông sản Gia Lai từ "chợ nông sản an toàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 8/17 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành công phiên chợ nông sản an toàn năm 2018. Đây thực sự là bước đệm vững chắc để tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản an toàn của tỉnh Gia Lai.
Đa dạng mặt hàng
Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến người tiêu dùng, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức phiên chợ nông sản an toàn. Tại các phiên chợ này, nhiều mặt hàng nông sản đã được trưng bày, từ các sản phẩm dược liệu như: sâm đá, sâm cau, nấm ngọc cẩu, sâm dây, nấm linh chi, cốt toái bổ, nấm cổ cò, nấm lim xanh, nấm hắc chi, sa nhân tím, lan kim tuyến, ba kích, chuối rừng, sâm đương quy, sâm bố chính, khổ qua rừng, trái ươi, mật nhân, kiến kỳ nam, tắc kè đá, chè dây... đến hạt mắc ca, hồ tiêu, cà phê, gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, gạo nếp hương, gạo bắc thơm 7, gạo LH 12... Ngoài ra còn có tinh bột nghệ, rượu ngâm thảo dược, rượu ghè, đông trùng hạ thảo, trái cây (dứa, bơ, cam, quýt, bưởi, chanh dây, nhãn, ổi, na, gấc, dừa xiêm, chuối tiêu), các loại rau và một số thực phẩm từ thịt, cá. 
Tham gia phiên chợ nông sản an toàn huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Thanh Sơn (thôn 6, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 3 ha bơ từ năm 2015, giờ bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân 4 tấn/ha. Tôi đến đây để giới thiệu với người tiêu dùng sản phẩm bơ sạch và hy vọng các doanh nghiệp, đại lý thu mua biết đến vùng đất Chư Pưh có giống bơ vừa ngon vừa an toàn”. Theo ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh: Một số sản phẩm nông sản của huyện đã tạo được ấn tượng về chất lượng và mẫu mã, như: tinh dầu sả, tinh dầu bơ, mít không hạt, na Thái, sầu riêng, gạo ML48, măng khô, các loại nấm tươi, trà đông trùng hạ thảo, gà Đông Tảo… Những sản phẩm tham gia phiên chợ được các cơ quan chuyên môn của huyện lựa chọn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của địa phương. “Người dân mong muốn huyện tiếp tục tổ chức nhiều phiên chợ nông sản an toàn trong thời gian tới để có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ. Thông qua phiên chợ, người mua cũng có cơ hội lựa chọn sản phẩm nông sản chất lượng”-ông Khanh chia sẻ.
 người dân huyện Chư Pưh giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại phiên chợ nông sản an toàn. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Chư Pưh giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại phiên chợ nông sản an toàn. Ảnh: Lê Nam
Đem đến phiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa sản phẩm tinh bột nghệ, chị Lê Thị Bích Hòa (thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 ha nghệ. Sản phẩm được chế biến thủ công nên đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Trước đây, gia đình tôi chế biến tinh bột nghệ chủ yếu bán cho bạn bè, người thân. Nay có phiên chợ nông sản của huyện, tôi đăng ký tham gia để giới thiệu với mọi người về sản phẩm và hy vọng mở rộng thị trường tiêu thụ”. 
Phiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa năm 2018 có 10 gian hàng. Thông qua phiên chợ này, huyện hướng người dân đến việc sản xuất an toàn, đồng thời kết hợp với sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng giá trị, nâng cao thu nhập. Cũng thông qua phiên chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tìm hiểu và liên kết với nông dân để cung ứng các sản phẩm sạch, an toàn, tạo đầu ra ổn định.
Xây dựng thương hiệu nông sản an toàn
Phiên chợ nông sản an toàn là mô hình hay và hiệu quả nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn. Đây là các sản phẩm được kiểm tra nguồn gốc, được cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận sản phẩm an toàn, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP hay tham gia chuỗi giá trị thực phẩm an toàn để người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Phiên chợ năm 2018 đã góp phần nâng cao ý thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về sản phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe. Cơ quan chuyên môn của huyện cũng hướng dẫn các hộ dân về quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo nguyên tắc “4 đúng”, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và cách ly đúng thời gian quy định trước khi đưa ra thị trường. Cũng qua hội chợ, bước đầu người sản xuất đã kết nối với người tiêu dùng, tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ ngày càng bền vững. Đây chính là định hướng quan trọng để triển khai thực hiện chương trình OCop.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 8/17 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành công phiên chợ nông sản an toàn (Kbang, Đak Pơ, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Prông, An Khê và Pleiku). Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Qua phiên chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội gắn kết trực tiếp với người sản xuất, liên kết với nhau từng bước hình thành vùng nguyên liệu, thúc đẩy sản xuất, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm được bán tại các phiên chợ đều có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Hiện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 49 ngàn tem truy xuất nguồn gốc được cấp cho các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm sẽ nâng số lượng cấp lên hơn 100 ngàn tem truy xuất nguồn gốc. Thông qua đó, người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình sản xuất”-ông Có nói.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Theo kế hoạch của tỉnh, từ nay đến cuối năm, các địa phương còn lại phải tổ chức được phiên chợ nông sản an toàn. Năm 2019, các địa phương cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình này. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô các mặt hàng, mỗi xã, phường, thị trấn có 1-2 quầy hàng được trưng bày tại phiên chợ. Đặc biệt, phiên chợ nông sản an toàn sẽ được tổ chức thường niên và gắn với chương trình OCop.
 Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.