"Vượt sóng" vận động học sinh tới trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nằm lẻ loi giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là đảo Ba Chơn. Nơi đây có 5 gia đình thông gia quê gốc miền Tây Nam Bộ tìm đến dựng nhà tạm sinh sống từ năm 2009. Những đứa trẻ lớn lên giữa đảo như cây cỏ và không được đến trường. Sau khi nắm tình hình, ngay khi năm học 2021-2022 vừa kết thúc, UBND xã Ia O đã phối hợp với Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia O và các nhà hảo tâm “vượt sóng” đến tận nơi vận động 6 em trong độ tuổi đến trường vào năm tới. 
Sau khoảng 20 phút đi thuyền máy, cả đoàn cập đảo Ba Chơn. Được biết, tên đảo cũng là tên người đầu tiên đến khai phá gò đất nổi lên giữa lòng hồ này. Tiếc là hôm chúng tôi đến, ông Ba Chơn đã đi giăng lưới. Trên đảo, các gia đình ngoài mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá còn trồng hơn 1 ha điều để vừa lấy bóng mát, vừa có thêm chút thu nhập. Vớt gỗ tạp, xin thêm tôn cũ, họ dựng nhà ở tạm. Các hộ dùng điện năng lượng mặt trời, mua nước bình về nấu ăn; mọi sinh hoạt còn lại đều nhờ nước lòng hồ. Khung cảnh hết sức đơn sơ, tạm bợ, nhưng nụ cười của các em nhỏ thì vẫn tươi rói khi được tặng quà bánh.
Bà Nguyễn Thị Màu-vợ ông Ba Chơn-kể: Cuộc sống ở quê nhà Đồng Tháp khó khăn nên năm 1990 cả gia đình chuyển lên Bình Phước tìm kế mưu sinh. Khi lòng hồ thủy điện Sê San 4 hình thành, nghe nói nơi đây có nguồn lợi thủy sản lớn nên năm 2009 họ lại di cư đến vùng đất này. Mỗi ngày, họ đánh bắt được vài chục ký cá các loại, đủ lo cái ăn, cái mặc. Ngày đó, mấy đứa cháu của bà gửi lại Bình Phước nhờ người thân nuôi nấng, chăm sóc. Nhưng từ khi dịch Covid-19 hoành hành, chúng được đưa đến đảo ở cùng cha mẹ, ông bà; trong số này có 5 em đang học tiểu học, 1 em đang học THCS cùng nhiều trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Vậy nhưng, từ đó đến nay, không em nào đến trường do khoảng cách từ đảo vào bờ khá xa. Đứa lớn phụ gia đình chài lưới, đứa nhỏ đi nhặt hạt điều. 
Nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ trên đảo Ba Chơn. Ảnh: Lam Nguyên
Đến nay, hầu hết trẻ em trên đảo Ba Chơn đều chưa được đến trường. Ảnh: Lam Nguyên
Rụt rè trò chuyện cùng chúng tôi, bé Nguyễn Trà My (8 tuổi) cho hay: Cháu đang học lớp 1 thì phải nghỉ ngang do dịch Covid-19. Lỡ dở chuyện học nên giờ cháu vẫn chưa thể tự viết tên mình. Anh trai cháu là Nguyễn Đăng Khoa (10 tuổi) thì may mắn hơn vì đã học đến lớp 3. Khi được hỏi có sẵn lòng ra trung tâm xã học nội trú, mỗi tuần mới về thăm nhà một lần hay không thì cả 2 anh em đều gật đầu háo hức. 
Bà Nguyễn Thị Hạnh Thu-bà ngoại của 2 cháu-giãi bày: Sau khi cha mẹ Khoa và My thôi nhau cách đây nhiều năm, bà trông nom cháu giúp để con gái đến đảo Ba Chơn kiếm sống. Khi dịch giã bùng phát, bà dẫn cả 2 đứa trẻ lên đây. Nghe cả đoàn trình bày ý định đưa các em nhỏ trên đảo “vượt sóng” đến trường, bà Thu rơm rớm nước mắt: “Nếu có điều kiện cho cháu đi học cái chữ thì quý lắm. Gia đình xin cảm ơn rất nhiều”. Bà Màu đứng cạnh cũng trầm ngâm: “Cha mẹ tôi và bản thân vợ chồng tôi đều không biết chữ, 5 đứa con thì đứa nào cũng chỉ hết lớp 5 là nghỉ. Tôi cũng mong mấy đứa cháu học được cái chữ đặng sau này vô công ty này, công ty nọ làm cho nhàn thân, chứ như ông bà, cha mẹ cứ ngụp lặn, trôi nổi sông hồ suốt thôi, không có gì là ổn định”. 
Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O (bìa trái) và thầy Ngô Văn Hòa-Chủ nhiệm Câu lạc bộ guitar Thầy và Trò đến thăm, tặng quà và vận động các em nhỏ trên đảo Ba Chơn đến trường trong năm học tới. Ảnh: Lam Nguyên
Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O (bìa trái) và thầy Ngô Văn Hòa-Chủ nhiệm Câu lạc bộ guitar Thầy và Trò đến thăm, tặng quà và vận động các em nhỏ trên đảo Ba Chơn đến trường trong năm học tới. Ảnh: Lam Nguyên
Trực tiếp đi khảo sát, ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-khẳng định: Địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa về hộ khẩu, hộ tịch để các cháu có thể đến trường trong năm học tới. Xã dự kiến sẽ vận động gia đình đưa con em ra trung tâm xã học nội trú tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân và Trường THCS Chu Văn An. Các trường này đều có phòng tập thể và được trang bị vật dụng cá nhân tương đối đầy đủ. Đặc biệt, Câu lạc bộ guitar Thầy và Trò (TP. Pleiku) đã nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học tập hàng tháng cho từng em. Trao đổi thêm với P.V, thầy Ngô Văn Hòa-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-cho biết: “Chung tay cùng chính quyền địa phương, Câu lạc bộ sẽ kết nối với các Mạnh Thường Quân để quyên góp, hỗ trợ khoảng 500 ngàn đồng/em/tháng trong hành trình vào bờ tìm chữ”.   
Đường đến trường của lũ trẻ trên đảo đã được mở ra, chấm dứt nỗi lo về một thế hệ sống đời lênh đênh sông nước, không biết đến con chữ và mang trong lòng những hình dung mơ hồ về tương lai. Đến thăm đảo cùng cả đoàn, Đại úy Đào Công Tuấn-Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia O-chia sẻ: “Năm ngoái, chúng tôi đã đến đây khảo sát nhưng chưa vận động được các em đến lớp, hơn nữa lại vướng dịch bệnh. Giờ thì rất mừng vì các gia đình đều đồng thuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm để hỗ trợ các em”. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.