Vụ tử vong sau tiêm thuốc cản quang: Rà soát quy trình chuyên môn, gửi báo cáo về Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ một ngày sau khi được tiêm thuốc cản quang Ultravist 80ml tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K để phục vụ cho việc chụp X-Quang, bệnh nhân Trần Thị L. (45 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị tử vong.

 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là sự cố đáng tiếc và hy hữu, hiếm xảy ra tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu Bệnh viện K nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát lại tất cả các quy trình chuyên môn đối với bệnh nhân Trần Thị L. nói riêng và với tất cả bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện nói chung. Bệnh viện K cần thực hiện nhanh công tác kiểm thảo tử vong và phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp y thực hiện các công việc theo yêu cầu, đồng thời sớm gửi kết quả báo cáo về Bộ Y tế.

Trước đó vào ngày 28-9, bệnh nhân Trần Thị L. đến Bệnh viện K khám và chẩn đoán theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát, được chỉ định làm xét nghiệm chỉ điểm khối u (định lượng CEA125, SCC, HE4), X-Quang phổi thẳng, siêu âm tử cung phần phụ, chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung thường quy (16 dãy) có tiêm thuốc cản quang.

Tới sáng 29-9, bệnh nhân L. được tiêm thuốc cản quang Ultravist 80ml tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Sau khi chụp xong bệnh nhân được theo dõi tại khoa.

Cho tới khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân L. đột ngột xuất hiện tức ngực, khó thở, da ngứa, mẩn đỏ. Bệnh nhân tỉnh, da đỏ, xung huyết, phù nề, khó thở, nhịp thở 26 lần/phút, không tiếng rít thanh quản, mạch 100 lần/phút, huyết áp 80/60 mmHg, SpO2 95%, tim đều, phổi rì rào phế nang rõ. Chẩn đoán sốc phản vệ do thuốc cản quang. Bệnh nhân ngay lập tức được xử lý tại chỗ và vận chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu.

Sau 5 giờ cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, da đỡ đỏ, xung huyết, còn tức ngực, mạch 100 lần/phút, huyết áp 105/80 mmHg. Bệnh nhân được hội chẩn trong khoa Hồi sức cấp cứu với kết luận tình trạng bệnh nặng, chưa thoát sốc, cần được duy trì điều trị và theo dõi sát. Chỉ định cận lâm sàng, công thức máu, khí máu, sinh hóa máu, điện tim đồ.

Tuy nhiên tới khoảng vào 8 giờ sáng 30-9, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở nhiều, ho khạc đờm bọt hồng, phổi nhiều ran, tim nhanh 160 lần/phút, huyết áp 40/20 mmHg...

Được cấp cứu hô hấp tuần hoàn, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân tử vong lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày.

Thuốc cản quang là thuốc được tiêm vào cơ thể làm tăng khả năng thấy rõ tổn thương khi chụp X-quang, CT scanner, MRI. Theo thống kê quốc tế, tỷ lệ sốc phản vệ do thuốc cản quang Ultravist dùng trong chẩn đoán hình ảnh là 10 trong số 1.142 bệnh nhân, trong đó có 7 người tử vong trong vòng 5 ngày sau xuất hiện sốc.

Minh Khang (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.