Vụ tham ô tài sản tại PVP Land: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo, kêu oan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 1 tháng Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) cùng 7 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), đến nay, 6 bị cáo trên tổng số 8 bị cáo trong vụ án đã làm đơn kháng cáo. 
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hầu hết các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường mà Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 5/2/2018 đã tuyên đối với các bị cáo. Duy chỉ có bị cáo Trịnh Xuân Thanh kháng cáo kêu oan. 
Bị cáo Thanh cho rằng bị cáo không tham ô tài sản và bị cáo vô tội, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ kết luận của bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự, dân sự cho bị cáo. 
Trước đó, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội “Tham ô tài sản."
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) kháng cáo đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét lại tội danh và giảm nhẹ mức hình phạt đối với bị cáo. 
Bị cáo Thắng cho rằng tội danh và mức án 9 năm tù mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên với bị cáo là quá nặng. 
Nêu trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân) phân tích việc Tòa cấp sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” và tuyên phạt 6 năm tù là không đúng, do bị cáo không được hưởng lợi gì trong vụ án này. Bị cáo Thoa kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án, đề nghị xem xét bản án và mức hình phạt cho bị cáo. 
Bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vietsan) cho rằng mức án 10 năm tù về tội “Tham ô tài sản” mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo là quá cao. Vì vậy, bị cáo Hương đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại hồ sơ vụ án và xem xét lại trách nhiệm của bị cáo trong việc chuyển số tiền 5 tỷ đồng cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng và 14 tỷ đồng cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (thông qua Thắng). 
Thái Kiều Hương cho rằng trong sự việc này, bị cáo không được hưởng lợi và tại thời điểm chuyển tiền Hương cũng không biết đây là nguồn tiền bất hợp pháp. 
Bị cáo Hương khẳng định bị cáo luôn thành khẩn và hợp tác với cơ quan điều tra, tòa án... nên mong muốn được Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại mức án cho bị cáo và đưa ra kết luận hợp lý để bị cáo sớm được cải tạo, đoàn tụ với gia đình và trở về với xã hội. 
Cùng bị tuyên phạt mức án 10 năm tù với bị cáo Thái Kiều Hương, bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (trú tại Phường 10, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng mức án này là quá cao và đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét lại vai trò, vị trí của bị cáo trong vụ án, đồng thời xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land) đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao xem xét lại mức án 16 năm tù mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phong. Bị cáo Phong cho rằng bản án 16 năm tù đối với mình là quá nặng và chưa thỏa đáng. Đồng thời, bị cáo Phong đề nghị được trả lại 2 tỷ đồng do gia đình bị cáo đã nộp quá số tiền mà Đào Duy Phong đã nhận trong vụ án. 
Chung đề nghị này, bà Nguyễn Thúy Hoa (vợ bị cáo Đào Duy Phong) cũng làm đơn kháng cáo đề nghị được trả lại số tiền 2 tỷ đồng mà bà Hoa đã nộp thừa để khắc phục hậu quả cho chồng trong vụ án. Theo bà Hoa, gia đình bà không có nghĩa vụ phải đòi khoản tiền 2 tỷ đồng này từ bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên và cũng không có căn cứ nào để đòi tiền bị cáo Sinh do đây không phải là giao dịch vay nợ. 
Bà Nguyễn Thúy Hoa tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tính đến thời điểm này, bà Hoa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan duy nhất trong vụ án đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. 
Hiện tại, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn chưa nhận được đơn kháng cáo của 2 bị cáo còn lại trong vụ án là: Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) và Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân). 
Trong bản án sơ thẩm tuyên ngày 5/2/2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh 13 năm tù và bị cáo Lê Hòa Bình 8 năm tù về cùng tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 1999.
Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.