Vũ 'nhôm' biết rõ Trần Phương Bình thu khống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo VKS, 200 tỉ đồng mà Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập thủ tục thu khống, Vũ 'nhôm' biết rõ.
Ngày 29.5, trong phần tranh luận, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 18 bị cáo trong đại án DongA Bank.
Các kháng cáo này về phần hình sự kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo và trách nhiệm dân sự trong vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 3.600 tỉ đồng.
Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo
Cụ thể, với bị cáo Trần Phương Bình (60 tuổi, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank), bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân cho hai tội danh trên, kháng cáo xin được bồi thường toàn bộ thiệt hại của DongA Bank, thay phần các bị cáo bị tuyên liên đới bồi thường cùng Bình, theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS), hành vi phạm tội của Bình cùng đồng phạm là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho DongA Bank nên các bị cáo liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường là phù hợp.
Các bị cáo nghe VKS phát biểu quan điểm ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Các bị cáo nghe VKS phát biểu quan điểm. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Về yêu cầu kháng cáo của Bình không tính lãi một số khoản tiền, theo VKS nguồn vốn của ngân hàng được hình thành trong quá trình hoạt động kinh doanh chủ yếu do huy động từ khách hàng gửi tiền. Các bị cáo chiếm đoạt tiền của DongA Bank phải trả lại và bồi thường lãi phát sinh.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank), án sơ thẩm tuyên tổng hợp hình phạt 30 năm tù/2 tội danh, kháng cáo kêu oan tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”, theo VKS, tại phiên tòa phúc thẩm Xuyến không thừa nhận hết hành vi phạm rội, rằng Xuyến lợi dụng việc Bình chỉ đạo cho Cao Ngọc Huy vay tiền để che giấu việc âm quỹ, từ đó Xuyến lập chứng từ rút 40 tỉ đồng của DongA Bank để sử dụng cá nhân; đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DongA Bank hơn 486 tỉ đồng khi lập chứng từ thu khống để cho người nhà của Trần Phương Bình mua cổ phần của DongA Bank.
Tuy nhiên, qua xét hỏi công khai đã làm rõ hơn các căn cứ quy kết đối với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Xuyến, được chứng minh bằng tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra, lời khai của các bị cáo khác, nhân chứng, người liên quan, đủ căn cứ khẳng định tòa án sơ thẩm quy kết Xuyến phạm tội là không oan sai.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Xuyến phải trả lại 20 tỉ đồng trực tiếp chiếm đoạt và chịu trách nhiệm liên đới với Bình và các đồng phạm bồi thường cho DongA Bank là phù hợp. Đồng thời, án sơ thẩm tiếp tục áp dụng biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản là cổ phần DongA Bank do vợ chồng Xuyến đứng tên đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho DongA Bank là có căn cứ…
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX sơ thẩm buộc Trần Phương Bình và một số bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho DongA Bank và lãi phát sinh tính đến ngày khởi tố vụ án, 9.12.2016, là hơn 832 tỉ đồng. DongA Bank kháng cáo, yêu cầu các bị cáo phải bồi thường tiền lãi tính đến ngày xét xử vụ án, 27.11.2018, với số tiền hơn 1.220 tỉ đồng.
VKS cho rằng cấp sơ thẩm tính đến ngày khởi tố vụ án là có căn cứ, vì đây là thời điểm hành vi phạm tội của các bị cáo bị cơ quan điều tra phát hiện, tiến hành điều tra và xử lý, nên thời điểm này các khoản tiền liên quan đến hành vi phạm tội không phát sinh biến động tăng giảm trên sổ sách.
Vũ 'nhôm' có vai trò đồng phạm với Trần Phương Bình
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) kêu oan khi bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên 17 năm tù về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 203 tỉ đồng của DongA Bank.
Theo VKS, năm 2013 với mục đích tăng vốn điều lệ, Bình chỉ đạo cấp dưới cho Vũ vay 400 tỉ đồng có thế chấp tài sản. Còn 200 tỉ đồng, Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ 200 tỉ đồng từ DongA Bank cho Vũ bằng cách lập chứng từ thu khống 200 tỉ đồng của Vũ, để Vũ có đủ 600 tỉ đồng mua 60.000 cổ phần DongA Bank.
Theo VKS, khi Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ DongA Bank, cũng là bị cáo trong vụ án) thực hiện thủ tục trên, Vũ vẫn đang ngồi trong phòng làm việc của Bình, nên 200 tỉ đồng mà Bình chỉ đạo cấp dưới lập thủ tục thu khống, bị cáo Vũ biết rõ và dù không nộp tiền mặt vào DongA Bank nhưng Vũ vẫn ký vào giấy nộp tiền, kiêm bản kê.
Khi việc tăng vốn điều lệ không thành, số tiền 200 tỉ đồng và lãi phát sinh, Vũ không trả lại cho DongA Bank mà sử dụng toàn bộ số tiền này mua cổ phần của bị cáo tại DongA Bank.
“Như vậy, căn cứ vào lời khai của Trần Phương Bình, Nguyễn Đức Vinh và các tài liệu, chứng từ giấy nộp tiền kiêm bản kê loại tiền khống, chứng từ chuyển và rút tiền và kết luận giám định, đủ cơ sở khẳng định bản án sơ thẩm xử phạt Phan Văn Anh Vũ có vai trò đồng phạm với Bình lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DongA Bank hơn 203 tỉ đồng”, VKS đánh giá.
Bỏ lọt trợ lý Trần Phương Bình ?
Ngoài phần đánh giá về quan điểm vụ án cũng như nội dung kháng cáo của các bị cáo, người liên quan, VKS cũng cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Theo VKS, qua nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy ông Phạm Văn Tân, là trợ lý của bị cáo Trần Phương Bình, sau được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc DongA Bank phụ trách kinh doanh. Từ giai đoạn tháng 7.1999 đến cuối năm 2006, ông Tân đã đứng tên nhiều khoản vay và tham gia ký khống nhiều chứng từ, giúp sức cho Bình chiếm đoạt 5 khoản tiền, tương đương hơn 221 tỉ đồng.
Từ đó, theo VKS, hành vi của ông Tân có dấu hiệu giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt tiền của DongA Bank nhưng chưa được điều tra, làm rõ.
Theo Phan Thương/Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.