Vụ lừa đảo chiếm đất ở Ia Dêr: Hàng loạt nạn nhân "sập bẫy"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ mua 1 phần đất của người dân nhưng đối tượng Trần Thị Kim Phú (SN 1975, trú tại làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lại làm thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) thành nhiều thửa rồi sang tên mình hoặc người thân, sau đó đem thế chấp vay tiền ngân hàng. Thậm chí, chỉ mua 1 thửa đất nhưng đối tượng này chiếm luôn những thửa khác. Chỉ đến khi ngân hàng thông báo phát mãi tài sản thì người dân mới biết mình “ở nhờ” trên đất... của mình. Nghiêm trọng hơn, khi đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thi hành lệnh bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hàng loạt đơn tố cáo của người dân được gửi đến Công an tỉnh.
“Bẫy” lừa tinh vi
Từ đơn tố cáo của gia đình bà Puih H’Nguir, chúng tôi đến làng Jút 2 để tìm hiểu sự việc. Theo lời anh Puih Kun (con trai bà H’Nguir), tháng 2-2020, bà H’Nguir bán cho bà Trần Thị Kim Phú lô đất có diện tích 500 m2 (10 m x 50 m) với giá 850 triệu đồng. Bà Phú đặt cọc 50 triệu đồng kèm tờ giấy viết tay thỏa thuận nếu gia đình không bán thì phải đền gấp 12 lần tiền cọc và hẹn 45 ngày sau làm thủ tục công chứng sang nhượng. Đến ngày 23-3, sau khi công chứng xong, bà này chỉ trả 400 triệu đồng. Mãi đến tháng 9-2020, bà Phú mới đưa thêm 100 triệu đồng nữa và hẹn cuối tháng 10-2020 sẽ trả hết số tiền còn lại cùng bìa đỏ sau khi tách thửa.
Thế nhưng, theo trình bày của anh Kun, đến khi bà Phú bị bắt vào ngày 19-11-2020 thì gia đình mới biết bị lừa mất đất. Nguyên thủy thửa đất số 71 (bìa đỏ số 00522) của gia đình có kích thước 50 m x 50 m. Trước đây, gia đình đã bán 10 m ngang, sau đó bán tiếp 10 m nữa cho bà Phú. Tuy nhiên, khi làm thủ tục công chứng chuyển nhượng, bà Phú đã “phù phép” tách thành 2 thửa. Trong đó, thửa đất số 1304 (ngang 10 m) đứng tên bà Phú; thửa đất số 1305 (ngang 30 m) đứng tên ông T.H.Đ. (em ruột bà Phú) rồi đem thế chấp ngân hàng. “Mẹ tôi không biết chữ, ra công chứng chỉ biết lăn tay. Tôi có đi theo nhưng lúc đó bà Phú không cho đọc giấy tờ gì, cũng đâu ngờ họ dùng thủ đoạn để lừa mình”-anh Kun cho hay.
Theo anh Puih Kun (xã Ia Dêr), ban đầu mẹ anh chỉ bán 10 m ngang nhưng giờ bị ép bán luôn 30 m chỉ vì bìa đỏ đã lỡ sang tên người khác. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo anh Puih Kun (xã Ia Dêr), ban đầu mẹ anh chỉ bán 10 m ngang nhưng hiện bị ép bán luôn 30 m chỉ vì bìa đỏ đã lỡ sang tên người khác. Ảnh: Lê Anh
Cũng theo anh Kun, sau khi được tại ngoại, bà Phú có đến nhà thuyết phục bán cho bà 30 m ngang đất đã “lỡ” sang tên cho người khác với giá 1,6 tỷ đồng. Cộng với 300 triệu đồng còn nợ, tổng cộng bà Phú phải trả cho gia đình anh Kun 1,9 tỷ đồng. Ngày 27-8-2021, bà này đã đưa cho gia đình anh Kun 1 tỷ đồng và hứa trả 900 triệu đồng còn lại trong tháng 9. Nhưng lúc đến hạn, gọi điện thì bà hẹn tới hẹn lui với lý do khó khăn do dịch bệnh.
Tương tự, chị Rơ Mah H’Lunh (làng Jút 2) cho hay: Ngày 8-7-2021, bà Phú có đến nhà viết tay giấy thỏa thuận trong 30 ngày sẽ trả toàn bộ giấy tờ đất cho gia đình mình. Trong đó, bà sẽ làm bìa đỏ riêng thửa đất số 68 trả cho ông Beh (làng Klăh 2) và trả lại thửa đất số 654 của gia đình mình. Thế nhưng, dù đã trễ hẹn hơn 2 tháng mà tiền và bìa đỏ chẳng thấy đâu.
Theo chị H’Lunh, vì hoàn cảnh khó khăn nên mẹ chị là bà Rơ Mah H’Mli bán cho bà Phú thửa đất số 118 tại làng Klăh 1 (xã Ia Dêr) có diện tích 1.408 m2 với giá 500 triệu đồng. Thế nhưng khi có bìa đỏ trong tay (gồm 4 thửa đất số 654, 118, 68 và 30) và chỉ mới trả được 225 triệu đồng, bà Phú đã chuyển thêm 2 thửa đất số 68 và 654 cho bà H.T.N.Y. đứng tên. Sau đó, bà Y. bán tiếp lô đất này cho người khác. Đáng nói là trên thửa đất số 654 có… ngôi nhà mà gia đình bà H’Mli đang ở, còn thửa đất số 68 đã bán cho ông Beh nhưng chưa tách bìa, sang tên.
Phóng viên làm việc với đại diện gia đình ông Siu Blúi (làng Jút 1)-một trong những nạn nhân của bà Trần Thị Kim Phú. Ảnh: Lê Anh
Phóng viên làm việc với đại diện gia đình ông Siu Blúi (làng Jút 1)-một trong những nạn nhân của bà Trần Thị Kim Phú. Ảnh: Lê Anh
Tháng 5-2019, gia đình ông Siu Blúi (làng Jút 1) cũng bị “sập bẫy” khi bán một phần thửa đất số 894 (kích thước 13 m x 18 m) cho bà Phú với giá 1,39 tỷ đồng. Chỉ chờ ông Blúi giao bìa đỏ (gồm 12 thửa đất), bà Phú đã lừa gia đình ông này đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng, tách thửa đất số 894 ra thành thửa đất số 991 (2.245 m2) và thửa đất số 992 (733 m2) cùng đứng tên ông L.S.T. Đến khi bà Phú bị bắt, một người phụ nữ tên L. tự nhận làm ở ngân hàng đến cho biết 2 bìa đỏ này đang thế chấp vay ngân hàng 3 tỷ đồng. Đồng thời, gia đình ông Blúi muốn lấy lại bìa đỏ thì phải mất thêm 12 m ngang đất nữa. Anh Ksor Liên (con rể ông Blúi) cho biết: Mới đây, bà Phú và gia đình có viết giấy thỏa thuận: Thửa đất số 894 có tổng chiều ngang 50 m, sau khi trừ 13 m đã bán cho bà Phú trước đó, gia đình tiếp tục cắt thêm 11 m nữa thì mới được trả 1,3 tỷ đồng và làm bìa đỏ 26 m ngang còn lại trả cho gia đình. Ngày 25-8, bà Phú đã trả 1 tỷ đồng, đồng thời hứa 10 ngày sau sẽ trả 350 triệu đồng còn lại và bìa đỏ cho gia đình. “Tuy gia đình nhiều lần gọi điện thúc giục nhưng bà này cứ lặp lại điệp khúc hứa”-anh Liên bức xúc.
Số “nạn nhân” của bà Phú chưa dừng lại ở đó. Khi cắt bán cho bà Phú lô đất có kích thước 15 m x 51,3 m với giá 1,9 tỷ đồng, bà Puih H’Bui (làng Jút 1) chẳng những chưa lấy 550 triệu đồng còn lại mà toàn bộ 61 m ngang đất đã bị… tách thành 2 thửa đứng tên ông T.V.D. (em rể bà Phú), sau đó đem thế chấp ngân hàng. Nghiêm trọng hơn, trên phần đất này có nhà của bà H’Bui và nhà 1 người con. Bỗng chốc trở thành người… ở nhờ, 2 gia đình ngày đêm sống trong thấp thỏm khi ngân hàng thông báo phát mãi tài sản. Hay trường hợp ông Puih Chai (làng Ia Tong) cũng bán 1 thửa đất nhưng lại bị mất thêm 1 thửa khác rộng 2.000 m2 và số tiền nợ là 100 triệu đồng…
Thủ tục mua, bán đất còn nhiều lỗ hổng?
Trở lại trường hợp của bà Puih H’Bui, khi Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Yên Đổ ra thông báo đề nghị giao tài sản thì bà này mới biết đất của mình đã bị thế chấp ngân hàng vay hơn 4 tỷ đồng. Lý giải vấn đề này, ông Bùi Xuân Thành-Giám đốc Chi nhánh Yên Đổ-cho biết: Khi ngân hàng tiến hành xác minh lại tài sản thế chấp của ông T.V.D. thì phát hiện trên đất có căn nhà của bà Puih H’Bui nên thông báo việc thực hiện các thủ tục bán tài sản theo quy định. Trước câu hỏi của P.V, lúc thẩm định cho vay, ngân hàng có kiểm tra thực tế và có phát hiện nhà ở của bà này hay không thì ông Thành khẳng định: Nhân viên khi kiểm tra hồ sơ và xuống thẩm định thực tế thì có phát hiện căn nhà này. Tuy nhiên, theo ông Thành: “Trường hợp bà H’Bui, chúng tôi làm việc rất kỹ, có hồ sơ công chứng việc chuyển nhượng; bìa đỏ hợp pháp đứng tên ông T.V.D. nên chúng tôi mới cho giải ngân. Giá trị mảnh đất (61 m ngang) hiện nay là rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng cho vay chưa đến 60% giá trị tài sản”.
Theo ông Thành, ngân hàng đã mời bà H’Bui và những người liên quan lên làm việc, đồng thời thông báo việc bán tài sản thì gia đình này mới có ý kiến. Chính vì vậy, phía ngân hàng có thông báo đề nghị bà H’Bui bàn giao tài sản để bán thu hồi nợ. Giám đốc Chi nhánh Yên Đổ cho biết: Bước tiếp theo là khởi kiện ra tòa để xử lý bởi người vay hiện đã nợ nhiều tháng tiền lãi, ngân hàng đôn đốc và mời làm việc nhưng không hợp tác. “Còn về gia đình bà H’Bui nếu cho rằng mình bị lừa bán đất thì cũng có quyền khởi kiện ra tòa để xử lý. Nếu gia đình không bán thì sao có bìa đỏ này để thế chấp; có thông dịch viên, người làm chứng ký sao lại nói không biết, nói bị lừa”-ông Thành đưa ra quan điểm.
Căn nhà của bà Puih H’Bui đang bị ngân hàng thông báo thực hiện các thủ tục bán tài sản theo quy định. Ảnh: Lê Anh
Căn nhà của bà Puih H’Bui đang bị ngân hàng thông báo thực hiện các thủ tục bán tài sản theo quy định. Ảnh: Lê Anh
Trong khi đó, ông Lương Đình Thảo-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai thì khẳng định: Hồ sơ liên quan được chuyển qua bộ phận một cửa. “Trong quá trình thụ lý, xác định hồ sơ đầy đủ thì giải quyết. Nếu muốn dừng hồ sơ thì phải có văn bản khẩn cấp tạm thời của tòa án hoặc các cơ quan liên quan. Vấn đề đúng hay sai giữa người này, người kia thuộc giao dịch dân sự. Cơ quan chúng tôi không có quyền can thiệp”-ông Thảo cho hay.
Liên quan đến hồ sơ công chứng, ông Đặng Minh Khanh-công chứng viên Văn phòng Công chứng Đặng Minh Khanh (674 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) khẳng định: Hồ sơ pháp lý đầy đủ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết rõ ràng giữa các bên. Đối với người biết chữ thì cảnh báo họ đọc kỹ trước khi ký vào hợp đồng; còn đối với những người không biết chữ thì yêu cầu người làm chứng (phải là người địa phương) làm thông dịch. Tuy nhiên, ông Khanh cũng thừa nhận việc người làm chứng, thông dịch viên này có truyền đạt đúng nội dung trong hợp đồng hay những cảnh báo khác thì công chứng viên không biết.
Các cơ quan liên quan đều khẳng định mình làm đúng quy trình, quy định của pháp luật và không hề có sơ sót gì nhưng không biết kẽ hở đến từ đâu khiến người dân mất đất? Câu trả lời này xin dành cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra.
MINH NGUYỄN - LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.