Vụ Đông Xuân 2022-2023: Tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với định hướng lịch thời vụ gieo trồng và sử dụng cơ cấu giống phù hợp với từng vùng, vụ Đông Xuân 2022-2023, bà con nông dân tỉnh Gia Lai đã linh hoạt hơn trong việc chọn thời gian xuống giống nhằm tránh hạn cuối vụ.

Nông dân linh hoạt xuống giống

Ông Võ Trọng Nghĩa (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: Những năm trước, một số diện tích lúa trên cánh đồng xã An Phú nằm trong vùng nguy cơ thiếu nước tưới vào giữa vụ khi bước vào giai đoạn trổ bông làm đòng khiến năng suất giảm. Khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ tranh thủ đất còn độ ẩm đã chủ động xuống giống sớm hơn so với lịch thời vụ của địa phương và phù hợp với diễn biến thời tiết nên giảm được thiệt hại do hạn hán gây ra. Riêng gia đình tôi đã gieo sạ sớm cho 3 sào lúa Đông Xuân từ 2 năm nay. Ngoài dựa vào kinh nghiệm, tôi còn sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chống chịu hạn tốt nên năng suất ổn định. Hiện cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, lượng nước tưới ổn định và hy vọng sẽ tránh được hạn cuối vụ.

Nông dân xã Glar (huyện Đak Đoa) chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nông dân xã Glar (huyện Đak Đoa) chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Tung (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) thì cho hay: Sản xuất vụ Đông Xuân thường phụ thuộc vào nước trời, trong khi nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi không ổn định nên dễ bị thiệt hại. Rút kinh nghiệm những năm trước, vụ Đông Xuân năm nay, trên cánh đồng thị trấn Đak Đoa, bà con đồng loạt xuống giống sớm nhằm tránh hạn cuối vụ.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 72.547 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023, đạt 93,6% kế hoạch, riêng lúa nước 26.713 ha, đạt 102% kế hoạch. Hiện nay, các loại cây trồng vụ Đông Xuân sinh trưởng, phát triển bình thường.

Sẵn sàng giải pháp chống hạn

Một trong những nỗi lo của người nông dân trong sản xuất vụ Đông Xuân là nước tưới cho cây trồng. Song đến thời điểm này, lượng nước tưới tại các công trình thủy lợi vẫn duy trì ổn định. Thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, hiện tại, 13 hồ chứa lớn và 25 đập dâng (gồm 19 đập dâng độc lập và 6 đập nằm trong hồ chứa) do đơn vị quản lý vẫn đang duy trì ổn định tưới cho các loại cây trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lương-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, diễn biến thời tiết năm 2022 rất phức tạp, nhất là các huyện phía Tây và Đông Bắc tỉnh mưa kết thúc sớm. Đặc biệt, tại các đập dâng từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 là cao điểm của mùa khô, lượng nước sẽ giảm dần do nắng nóng kéo dài. Nếu không có mưa bổ sung cũng như khu vực đầu nguồn các công trình thủy lợi sử dụng nguồn nước lớn dễ dẫn đến một số công trình không còn khả năng dẫn nước tưới về đến cuối nguồn. Để duy trì nguồn nước tưới tại một số công trình có nguy cơ xảy ra hạn cuối vụ, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân gieo sạ sớm. Ưu tiên cấp nước cho cây lúa và bắp sinh khối, đồng thời vận động người dân bơm nước từ suối vào cống đầu kênh trong thời gian không chống hạn để tránh tranh chấp, tưới luân phiên kéo dài giữ ẩm chờ mưa.

Hồ chứa nước Plei Thơ Ga cung cấp nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Hồ chứa nước Plei Thơ Ga cung cấp nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp

“Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát tình hình mực nước tại các công trình thủy lợi để vận hành, điều tiết hợp lý. Hiện các chi nhánh của Công ty thường xuyên theo dõi mực nước ở các hồ chứa và đập dâng, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm tưới và phương tiện khác để ứng phó khi có hạn hán xảy ra”-ông Lương thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Toàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi và 46 hồ chứa thủy điện với năng lực tưới hơn 68 ngàn ha cây trồng các loại. Thời gian qua, Sở đã hướng dẫn các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có ở các sông, suối, hồ đập thủy lợi, thủy điện. Xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tận dụng mọi nguồn nước và có kế hoạch điều tiết, vận hành tưới tiết kiệm. Ưu tiên nguồn nước tưới cây trồng đang vào thời kỳ ra hoa kết trái, nước sinh hoạt và nước chăn nuôi, không để xảy ra tranh chấp nước tưới. Bên cạnh đó, chuyển đổi cây trồng ở những vùng thường xuyên bị hạn sang các loại cây ngắn ngày, chống chịu hạn tốt… Hiện nguồn nước tưới vẫn ổn định phục vụ sản xuất, chưa xảy ra khô hạn. Đây là tín hiệu lạc quan cho Đông Xuân 2022-2023.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.