Võ Tấn Hưng: Kỹ sư công nghiệp say mê làm nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người bảo ông liều bởi dám làm những việc mà ở vùng đất Kbang này chưa ai làm: vay ngân hàng hơn 10 tỷ đồng để mua lại dự án nuôi cá tầm và 4 tỷ đồng để trồng lan kim tuyến. Ông là Võ Tấn Hưng-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), một kỹ sư được đào tạo chuyên ngành công nghiệp nhưng lại đam mê làm nông.
Nặng lòng với cá tầm
Dự án nuôi cá tầm tại huyện Kbang được triển khai từ hơn 8 năm về trước. Khi đó, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện làm chủ dự án có quy mô 10 lồng với 10.000 con cá tầm tại hồ chứa C thuộc thủy điện Vĩnh Sơn. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước 50%, còn lại 50% là do 10 hộ dân tham gia dự án đóng góp. Dự án do Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô chuyển giao kỹ thuật và thực hiện hợp đồng cung cấp giống cá tầm, bao tiêu sản phẩm theo chu kỳ thu hoạch.
Tuy nhiên, sau khi cá bước vào thời kỳ thu hoạch, Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô vẫn chưa thể giải ngân được nguồn vốn như đã ký kết và chưa có hướng bao tiêu sản phẩm. Khi đó, ông Hưng với vai trò là Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện chịu trách nhiệm chính về dự án. Sau 8 năm, trọng lượng đàn cá bây giờ đã 15-35 kg/con.
Niềm tin của các hộ góp vốn nuôi cá và kể cả những nhà quản lý cũng bắt đầu cạn dần. Dự án thất bại vì không thể tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, ông không bỏ cuộc mà thuyết phục gia đình thế chấp tài sản vay ngân hàng hơn 10 tỷ đồng để mua lại toàn bộ số cá tầm, lồng bè.
Phòng nuôi cấy mô giống lan kim tuyến của ông Võ Tấn Hưng. Ảnh: Lê Anh
Phòng nuôi cấy mô giống lan kim tuyến của ông Võ Tấn Hưng. Ảnh: Lê Anh
Từ đây, ông Hưng bắt đầu mày mò nghiên cứu, đầu tư theo hướng là giữ lại đàn cá nuôi lấy trứng. Ông loại bỏ cá đực, chỉ giữ lại cá cái bằng cách đầu tư máy để siêu âm từng con cá nhằm xác định trữ lượng trứng. Theo kết quả siêu âm, tính toán chuẩn xác của các kỹ sư thì mỗi con cá cho lượng trứng bằng 10% trọng lượng cơ thể, cá càng to, trứng càng nhiều.
“Đàn cá 6.000 con, ước lượng mỗi vụ thu hoạch khoảng 2 tấn trứng cá. Việc thu hoạch trứng mỗi năm 1 lứa, sẽ theo phương thức hút trứng, sau khi hút xong, cá sẽ được đưa trở lại hồ nuôi. Vòng đời cho thu hoạch trứng của cá tầm 15-20 năm, với giá bán mà một số đối tác đã đặt vấn đề chỉ cần qua 2 vụ là thu hồi vốn. Đã có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại toàn bộ dự án cá tầm, nếu tôi đồng ý sẽ thu lãi vài tỷ đồng”-ông Hưng chia sẻ.
Đầu tư tiền tỷ trồng lan kim tuyến
Đang lênh đênh với dự án cá tầm, ông Hưng lại “nhảy cóc” sang một nghề mới bằng việc đầu tư thêm 4 tỷ đồng bảo tồn giống lan kim tuyến (một loại dược liệu quý). Ông xây dựng phòng thí nghiệm để nuôi cấy mô nhằm tìm ra nguồn gen chuẩn và thuê đội ngũ kỹ sư nông nghiệp về hỗ trợ.
Khi nói về lan kim tuyến, kiến thức của ông Hưng không khác gì một chuyên gia thực thụ: Lan kim tuyến còn được gọi là lan gấm, lan kim cương, thường sống ở nơi ẩm ướt và mọc rải rác trong rừng sâu. Mặt trên lá có màu tím nhung, gân lá hiện lên rất rõ, lá dày nhưng rất mềm mượt, óng ánh như kim tuyến, mặt dưới màu phớt hồng, thân chia thành từng đốt.
Công dụng của lan kim tuyến giúp khí huyết lưu thông, tăng cường sức khỏe, chữa các bệnh viêm khí quản, ho khan, đau họng, cây có tính kháng khuẩn, chữa gan mãn tính, suy nhược cơ thể, cao huyết áp, chữa đau lưng, suy thận, di tinh, phong thấp… “Để có được nguồn gen chuẩn, tôi đã lặn lội khắp các vùng núi để tìm kiếm, đưa về nhân giống nhằm bảo tồn nguồn gen”-ông Hưng cho biết.
Lan kim tuyến được ông Hưng trồng huấn luyện ngoài môi trường tự nhiên. Ảnh: Lê Anh
Lan kim tuyến được ông Võ Tấn Hưng trồng "huấn luyện" trong môi trường tự nhiên. Ảnh: Lê Anh
Sau nhiều lần thất bại, cuối năm 2020, phòng thí nghiệm của ông cũng đã nuôi cấy mô thành công để sản xuất cây giống và đưa lan kim tuyến trồng “huấn luyện” trong môi trường tự nhiên để tiến tới trồng thành thương phẩm. Vùng rừng trồng lan kim tuyến của ông cách trung tâm huyện Kbang gần 70 km, với diện tích hơn 1 ha, đáp ứng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cho lan phát triển tốt và đạt chất lượng cao.
Dù sản phẩm lan kim tuyến của ông sản xuất ra với số lượng còn hạn chế, nhưng đã có một số khách hàng từ Đài Loan, Nhật Bản đặt hàng. Hiện nay, với giá bán 1,5-1,8 triệu đồng/kg tươi, ông tin tưởng dự án trồng lan kim tuyến của mình sẽ có tương lai tươi sáng. Ngoài ra, để duy trì và phát triển loại dược liệu quý này, ông Hưng cũng ấp ủ ý định hợp tác cùng người dân trồng lan kim tuyến. Khi ấy, ông sẽ cung cấp cây giống với giá 2.000-2.500 đồng/cây, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp trang-thiết bị cần thiết để người dân trồng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bằng với giá thị trường.
Chia tay chúng tôi, ông Hưng tâm sự: “Gần cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Kbang này. Ước mơ của tôi là ngoài việc tiếp tục thực hiện mở rộng các dự án trên, tôi sẽ nghiên cứu các điều kiện để trồng sâm Ngọc Linh kéo dài cả một vùng rộng lớn ở núi rừng Kbang”.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.