Vietcombank Bắc Gia Lai: Hướng đến "tín dụng xanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bắt nhịp thị trường, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Bắc Gia Lai (Vietcombank Bắc Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như phát huy thế mạnh ở mảng đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là một lĩnh vực đầu tư mới khá hấp dẫn tại một số tỉnh, thành, trong đó có Gia Lai. Đây cũng đang là lĩnh vực thu hút vốn tín dụng rất mạnh, tiếp sau các dự án thủy điện. Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng cũng như áp lực phải có nguồn năng lượng sạch và bền vững, vào đầu tháng 12-2018, Tập đoàn Thành Thành Công và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (đơn vị thành viên Tập đoàn) đã chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa. Đây là nhà máy thứ 2 của Tập đoàn trong tổng số 6 nhà máy đã được bổ sung quy hoạch, dự kiến vận hành trước tháng 6-2019. Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa có công suất 49 MW (69 MWp), tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 70 ha đất đồi thuộc xã Chư Gu, huyện Krông Pa.
 Vietcombank Bắc Gia Lai đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng (ảnh minh họa).
Vietcombank Bắc Gia Lai đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng (ảnh minh họa).
Được biết, sau 9 tháng thi công, Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa với 209.100 tấm pin năng lượng mặt trời có công suất 330 Wp/tấm được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại sẽ hấp thụ bức xạ ánh nắng mặt trời và chuyển đổi thành điện năng hòa vào hệ thống tải điện. Ngày 4-11-2018, Nhà máy đã được đóng điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng 103 triệu kWh/năm.
Ở góc độ của nhà đầu tư tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Trần Anh Thắng-Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Gia Lai-nhận định: “Chúng tôi cho rằng, đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là đầu tư bền vững cho tương lai, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển xanh của Vietcombank. Ngay sau khi thành lập Chi nhánh, trong quý II-2018, chúng tôi đã tham gia thẩm định tính hiệu quả, khả thi của dự án điện mặt trời để trở thành nhà đồng tài trợ tín dụng cho dự án. Điều này cũng gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động xúc tiến đầu tư khai thác các lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Trong thời gian đến, Chi nhánh cũng sẽ tiếp tục đầu tư nếu có các dự án năng lượng tái tạo khả thi, tiềm năng”.
Tiền thân là Phòng Giao dịch Biển Hồ (737 Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku) và là đơn vị đạt thành tích “Phòng Giao dịch xuất sắc hiệu quả” toàn hệ thống Vietcombank, từ cuối tháng 4-2018, Vietcombank Bắc Gia Lai chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, quy mô lẫn hiệu quả kinh doanh của Chi nhánh trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, là đối tác tin cậy của khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Theo ông Trần Duy-Giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi Gia Lai, mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và Vietcombank đã có bề dày hơn 15 năm và hiện vẫn tiếp tục duy trì. “Theo đánh giá của chúng tôi, chính sách lãi suất của Vietcombank cực kỳ tốt, tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nên việc đầu tư của doanh nghiệp mang tính chất lâu dài và cần nguồn vốn lưu động rất lớn. Hiện nay, phía Chi nhánh sẵn sàng hỗ trợ vốn để doanh nghiệp mở rộng  hoạt động khai thác ở nước ngoài. Đương nhiên, về phía doanh nghiệp phải chứng minh được tính khả thi của dự án đầu tư, nguồn thu cũng như khả năng tài chính”-ông Duy cho biết thêm.
Nếu phân theo tính chất thị trường, khu vực Bắc Gia Lai là nơi có sức hấp thu vốn tín dụng rất tốt bởi đặc thù các phường, xã thuộc TP. Pleiku như Yên Thế, Thống Nhất, Đống Đa, Biển Hồ, Trà Đa, Tân Sơn là địa bàn có hoạt động kinh tế rất sôi nổi, đặc biệt là mảng kinh doanh nông sản, vật liệu xây dựng, xuất khẩu, kinh tế trang trại... Trong khi đó, các xã Ia Sao (huyện Ia Grai), Nam Yang, Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Ia Nhin, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) lại có bề dày sản xuất kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, hồ tiêu và chăn nuôi, kéo theo sự phát triển các dịch vụ thu mua nông sản, sản phẩm nông nghiệp. Từ lợi thế địa bàn, lợi thế thương hiệu cũng như việc triển khai hiệu quả các giải pháp kinh doanh, chỉ trong thời gian ngắn, các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, lợi nhuận của Vietcombank Bắc Gia Lai đều đạt và vượt kế hoạch Trung ương giao. “Hiện nay, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với thời điểm thành lập; huy động vốn đạt 530 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với khi thành lập. Tỷ trọng dư nợ tăng mạnh do chúng tôi tập trung đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phát triển mảng bán lẻ với gần 2.000 khách hàng cá nhân”-Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Gia Lai cho biết.  
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.