Việt Nam từng bước hình thành hệ sinh thái chip bán dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chip bán dẫn mà sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.

Chip bán dẫn giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra các sản phẩm và linh kiện công nghệ. Nhiệm vụ của những con chip cho phép máy móc thực hiện những chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ… nên chip bán dẫn không thể thiếu trong tất cả các công nghệ hiện nay.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học Công nghệ (9/10/2023) ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế-Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết hợp tác phát triển chip bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước thời gian vừa qua cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này.

Trong Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng như sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Hai nước sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Cùng với cơ hội, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc bởi nguồn nhân lực đang còn thiếu. Theo thống kê từ các hiệp hội, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam. Đây là khâu còn yếu khi mỗi loại chip bán dẫn đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chip bán dẫn.

Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc làm chủ được thiết kế chip bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chip bởi thiết kế chip chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chip.

Cùng với sự hợp tác với các nước, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chip bán dẫn, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo chip bán dẫn trong cả nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chip bán dẫn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của của các doanh nghiệp lớn trong nước như: Viettel, FPT, CMC…, các viện, trường có nghiên cứu liên quan tới vi mạch vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn, từ đó tạo ra hệ sinh thái phát triển chip bán dẫn, nhất là coi trọng khâu thiết kế chip bán dẫn.

Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Phú Hùng tin tưởng cùng với định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với các chính sách khác mà Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chip bán dẫn.

Có thể bạn quan tâm

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.