Việt Nam đã thực hiện ghép hầu hết các tạng trên người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
32 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện ghép hầu hết các tạng trên người như: ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công.

Chiều nay 14.6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức lễ ký kết phối hợp hưởng ứng "Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi" do Thủ tướng Chính phủ phát động; và khởi động đăng ký hiến tặng mô, tạng tại hệ thống Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức cho biết, hội sẽ cùng các đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả vận động hiến và đăng ký hiến mô, tạng. Ảnh: MINH DIỆN

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức cho biết, hội sẽ cùng các đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả vận động hiến và đăng ký hiến mô, tạng. Ảnh: MINH DIỆN

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tháng 6.1992, lần đầu tiên trong nước thực hiện thành công ca ghép thận trên người. Qua 32 năm hình thành và phát triển kỹ thuật ghép tạng, chúng ta đã thực hiện ghép hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Hiện 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công và đưa nước ta trở thành điểm sáng về ghép tạng trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Tuyên chia sẻ, dù mỗi năm chúng ta ghép hơn 1.000 ca (là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca) nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép. Số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự phối hợp của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hưởng ứng "Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi" do Thủ tướng Chính phủ phát động; khởi động đăng ký hiến tặng mô, tạng tại hệ thống Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Hiện 26 bệnh viện trong nước đã ghép tạng thành công. Ảnh: DUY TÍNH

Hiện 26 bệnh viện trong nước đã ghép tạng thành công. Ảnh: DUY TÍNH

Sự phối hợp đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động cụ thể trong vận động, tuyên truyền nhân viên y tế, cán bộ, đoàn viên công đoàn, hội viên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến mô, bộ phận cơ thể người; vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não, hiến xác khi qua đời vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học.

Tại lễ ký kết, tiến sĩ Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho hay ngày 19.5, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - cho đi là còn mãi"; cùng các đại biểu đăng ký hiến mô, tạng. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh, đồng thời tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), sau lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến nay đã có thêm gần 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng, nâng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não lên gần 96.000 người.

Trước thực tế nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép; hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng, ông Đức bày tỏ: "63/63 tỉnh, thành đã có tổ chức hội và Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ, với hơn 90.000 hội viên thầy thuốc trẻ trên cả nước. Với sự hợp tác này, tôi tin tưởng rằng sẽ có thêm nhiều người đăng ký hiến mô tạng trong thời gian tới, để chúng ta có nhiều cơ hội cứu sống những người bệnh đang chờ ghép tạng".

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị ký kết hợp tác cùng phối hợp tuyên truyền, vận động các hội viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não, hiến xác khi qua đời theo quy định của pháp luật vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học...

Phối hợp tham gia các hoạt động chuyên môn liên quan đến chuỗi hoạt động lấy, vận chuyển, ghép mô tạng; tổ chức các chương trình tình nguyện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đào tạo về lĩnh vực hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Tôn vinh, tri ân, thăm hỏi, động viên, khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người hiến sống và gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau chết, chết não và người được hiến tặng.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

Gia Lai chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết. Dự lường số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng, nhất là vào các tháng cao điểm của dịch bệnh (từ tháng 6 đến tháng 11) nên ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng-chống.
Vì sao người lạc quan sống thọ hơn?

Vì sao người lạc quan sống thọ hơn?

Các nghiên cứu cho thấy những người lạc quan có mức độ hạnh phúc cao hơn, ngủ ngon hơn, căng thẳng thấp hơn, thậm chí sức khỏe tim mạch và chức năng miễn dịch cũng tốt hơn. Không những vậy, một số nghiên cứu công bố mới đây còn cho thấy lạc quan còn giúp sống thọ hơn.