Để người nghèo cũng được ghép tạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng khó như ghép phổi, ghép tim, ghép thận - tụy, thậm chí, cùng lúc lấy - ghép đa tạng. 

Nhưng hai vấn đề khó nhất cũng là hai nguyên nhân hàng đầu đang làm cho ghép tạng chưa thể phát triển mạnh là thiếu nguồn tạng hiến chết não và thiếu bảo đảm tài chính cho ghép tạng.

Để ghép tạng thực hiện đúng như mục tiêu là nhân đạo và công bằng, để người nghèo cũng được ghép tạng thì bảo hiểm y tế (BHYT) cần được chi trả đầy đủ cho ghép tạng, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng mua bán tạng, đồng thời để bác sĩ chuyên tâm vào chuyên môn, không phải vừa tiếp tục lo mổ, vừa đi xin tài trợ cho ghép tạng.

Bác sĩ vừa lo mổ, vừa đi xin tài trợ

Mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim dãn, anh N.Q.T (33 tuổi, Thanh Hóa) đã phải điều trị 5 năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Nhiều lần anh T xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm, phải sốc điện, cận kề với cái chết. Điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh bước vào giai đoạn suy yếu nằm một chỗ, nói chuyện cũng rất khó khăn và để cứu sống tính mạng, chỉ có ghép tim. Tuy nhiên, nguồn tạng chết não vô cùng hiếm hoi, nằm trong danh sách chờ ghép tạng nhưng gia đình anh không có nhiều hy vọng.

Chi phí cho mỗi ca ghép tim khoảng 1 tỷ đồng, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, nhà hảo tâm, nhiều người sẽ không được cứu sống.

Chi phí cho mỗi ca ghép tim khoảng 1 tỷ đồng, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, nhà hảo tâm, nhiều người sẽ không được cứu sống.

Thật may mắn, giữa lúc tuyệt vọng, có gia đình bệnh nhân chết não đồng ý hiến tạng, trong đó có trái tim phù hợp với các chỉ số của anh T. Nhận điện thoại thông báo được ghép tạng của bệnh viện, cả gia đình anh vui mừng òa khóc. Tuy nhiên, đối mặt với họ là không có tiền để thực hiện ca ghép. Một ca ghép tim có thể lên tới tiền tỉ, hoàn cảnh gia đình anh T lại khó khăn, kiệt quệ vì bao năm qua tiền đều đổ vào lo viện phí cho anh. Khi đó, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước là Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã rất trăn trở khi đứng giữa ranh giới ghép hay không ghép cho bệnh nhân.

Ông tâm sự: “Nếu không ghép thì bệnh nhân sẽ chết, cậu ấy đã chờ đợi cơ hội sống rất lâu rồi, đến bây giờ mới có trái tim phù hợp với mình. Chúng tôi vô cùng “cân não” bởi cơ hội tìm được trái tim cho bệnh nhân là “ngàn năm có một”, nếu chỉ vì gia đình không có tiền để ghép thì vô cùng đáng tiếc. Và, để tìm được quả tim thứ hai phù hợp có lẽ bệnh nhân không còn cơ hội nữa. Tình huống này buộc chúng tôi phải đưa ra quyết định nhanh chóng”.

Sau khi “cân não”, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước đã liên hệ với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện để phối hợp kêu gọi vận động các “Mạnh Thường Quân”, các nhà hảo tâm, cơ quan truyền thông đăng tải về hoàn cảnh của anh T để quyên góp kinh phí phẫu thuật cho bệnh nhân. Một nỗ lực của nhiều con người, của biết bao tấm lòng, cuối cùng đã đủ kinh phí phẫu thuật. Ca ghép tim được thực hiện thành công. 1 tuần sau ghép tim, tôi đã gặp bệnh nhân T tại Khoa Hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực, anh T đã rơi nước mắt cảm tạ các bác sĩ và người hiến tim đã cho mình tái sinh sự sống.

Câu chuyện của anh T không phải hiếm, mà thường gặp khi có hàng nghìn bệnh nhân nghèo đăng ký hiến tạng đang nằm trong danh sách chờ ghép. Mang căn bệnh suy thận khi mới 20 tuổi, phải chạy thận nhân tạo khiến cô gái M.B.T (Nghệ An) phải gắn liền với bệnh viện, tạm ngừng việc học. Bước vào suy thận giai đoạn cuối, cô có chỉ định ghép thận nhưng không có tiền khi bố chỉ làm phụ hồ, mẹ làm cỏ thuê. Giữa lúc bế tắc thì may mắn, cô nhận được sự kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng và bệnh viện với số tiền quyên góp được gần 400 triệu. Ca ghép thận từ mẹ ruột hiến tặng đã thành công, mở ra tương lai cho cô gái khi được bước tiếp đến giảng đường đại học.

Lợi ích khi chi trả bảo hiểm y tế cho ghép tạng

Chứng kiến nhiều bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng và khi có tạng hiến nhưng lại không có kinh phí chi trả, TS. bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trăn trở làm sao tìm được nguồn tiền ủng hộ giúp đỡ người bệnh. Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, TS. Thu cho biết, bệnh nhân ghép tạng được BHYT chi trả nhưng rất ít. Trong khi với bệnh nhân ghép tạng, chi phí ghép chưa phải là vấn đề lớn nhất, quan trọng hơn là sau ghép làm sao họ có thể sống lâu dài, chất lượng, bởi sau ghép, mỗi tháng người bệnh phải đến viện khám bệnh, uống thuốc, theo dõi suốt đời. Trong quá trình đó còn có biến chứng thải ghép, hẹp mạch máu..., bị nhiễm trùng, hay bị ung thư thì họ phải có tiền điều trị. Như vậy, người nghèo khó tham gia chương trình ghép tạng nếu không nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Hiện nay, đối với ghép tạng, quỹ BHYT chi trả khoảng 100 triệu đồng cho mỗi ca bao gồm chi phí chi trả tiền giường, xét nghiệm, máu, vật tư y tế, dịch truyền, thuốc... Các khoản chi phí phát sinh như xét nghiệm người hiến, phẫu thuật lấy tạng, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người hiến, chi phí bảo quản tạng để ghép... chưa được BHYT thanh toán.

Trong khi đó, chi phí cho một ca phẫu thuật ghép tim khoảng 1 tỷ đồng, ghép gan 1,5 tỷ đồng, ghép phổi 2 tỷ đồng, ghép thận 300-500 triệu đồng. Người bệnh sau khi ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, khoản này được BHYT chi trả với khoảng 8-10 triệu đồng một tháng.

TS. bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu phân tích: “Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu cắt ngang thô, đó là Phòng Tài chính kế toán lấy danh sách người chạy thận, thẩm phân phúc mạc (lọc máu màng bụng) và ghép... Rõ ràng, chi phí cho thẩm phân phúc mạc lớn nhất, tiếp đến là lọc máu chạy thận, sau mới tới ghép tạng. Tiền trả sau ghép tạng chỉ bằng 1/3 của lọc máu và 1/5 lọc màng bụng. Ở nhiều nước họ đầu tư chương trình ghép và trả chi phí cho người ghép là 100%. Lý do tại sao, đó là vì lợi ích của người bệnh sau khi được ghép so với các chi phí chi trả y tế định kỳ của họ đều được giảm hơn 1/3-1/5 chi phí chưa ghép”.

Lý giải thêm, TS. Thu cho biết: Người ta thấy rằng nếu Nhà nước chi trả điều trị cho người mắc bệnh mãn tính suốt đời như suy thận, suy gan, suy tim, chỉ lay lắt sống chờ ngày chết... chi phí lớn hơn nhiều với hỗ trợ ghép tạng. Bởi, những người được ghép quay lại đời sống, họ lao động bình thường, đi kiếm tiền đóng góp cho xã hội, cho gia đình, cho bản thân và chất lượng cuộc sống của họ tốt, không cần sự chăm sóc của người khác. Đó là lợi ích, Nhà nước để dành được nhiều tiền khi những người bệnh được ghép”.

Làm thế nào để người nghèo cũng có cơ hội được ghép tạng, đó là chính sách nhân đạo, công bằng trong hiến ghép mô tạng. Theo đề xuất của TS. Thu, BHYT cần phải chi trả 100% chi phí ghép tạng cho người bệnh. Trong điều kiện hiện nay, cần kêu gọi hình thành ngân sách tài trợ cho người bệnh ghép tạng trong danh sách chờ, do Nhà nước quản lý, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia sẽ là người chi trả thông qua báo cáo của bệnh viện. “Giả sử nếu bệnh nhân được ghép, nắm được tình hình của họ thì trong giai đoạn gần, Phòng Công tác xã hội bệnh viện kêu gọi cộng đồng hỗ trợ; nếu họ chưa có nghề, Nhà nước, xã hội cần tạo điều kiện bởi sau ghép, bệnh nhân cần công việc nhẹ nhàng hơn... Khi đã giúp được một người ghép, phải giúp xuyên suốt”, TS. Thu cho biết thêm.

Nữ sinh viên 21 tuổi được hồi sinh nhờ ghép phổi.

Nữ sinh viên 21 tuổi được hồi sinh nhờ ghép phổi.

Cần xây dựng các gói chi phí để đề xuất bảo hiểm y tế chi trả

Theo TS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trên thế giới, người ghép tạng được BHYT thanh toán khoảng 80%, còn 20% người bệnh tự chi trả. Nhưng, tại Việt Nam, BHYT chi trả cho ghép tạng còn rất thấp. Trong tương lai, cần BHYT chi trả cho người ghép tạng để bảo đảm quy tắc công bằng trong hiến - ghép mô tạng. “Hiến ghép mô - tạng phải nhân đạo, đảm bảo công bằng, bình đẳng, nếu không đáp ứng điều kiện đó, chỉ người giàu mới được ghép tạng thì sẽ mất đi mục đích, ý nghĩa của nó. Chúng ta phải nhìn chính sách một cách tổng thể, khi người dân thấy điều đó, họ mới thấy thỏa mãn và mới thấy mình đăng ký hiến mô - tạng là xứng đáng”, TS. Phúc nói. Và, để làm được điều này, theo chuyên gia, cần xây dựng các gói dịch vụ, quy định định mức kỹ thuật theo quy chuẩn thành các gói chi phí cụ thể, sau đó mới đề xuất vào Luật BHYT sửa đổi. Lúc đó, nếu bệnh nhân không đủ chi phí thanh toán sẽ tìm các khoản tài trợ.

Chia sẻ thêm về đặc thù ghép phổi, theo TS. bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi năm tại bệnh viện thường có từ 20-40 người chờ ghép phổi, đa phần bệnh nhân không chờ được để ghép tạng. Bên cạnh những khó khăn về nguồn tạng hiến, một trong những khó khăn nữa là vấn đề tài chính cho một ca ghép phổi. Vì vậy, cần có chế độ BHYT đặc thù cho nhóm bệnh nhân chờ ghép phổi. Bởi, đây là nhóm bệnh nhân nặng, mạn tính, nhiều bệnh kết hợp, nhiều xét nghiệm sàng lọc trước ghép chưa được BHYT thanh toán. Phần lớn chi phí đều do gia đình bệnh nhân phải tự chi trả. Đây là rào cản lớn đối với các bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. “Cần có kế hoạch phối hợp giữa các bên, bao gồm BHYT, bảo hiểm tự nguyện, sự hỗ trợ của các ban, ngành và các nguồn xã hội hóa để người bệnh thực sự có nhu cầu ghép phổi có thể tiếp cận được với kỹ thuật này”, ông Lượng chia sẻ.

Vận chuyển tạng để ghép.

Vận chuyển tạng để ghép.

Theo nghiên cứu đánh giá thực thi sau Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiện nay, chưa có quy định về danh mục các chi phí về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người, chưa ban hành được giá dịch vụ kỹ thuật lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người dẫn đến thực trạng mỗi một cơ sở lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người xây dựng một giá dịch vụ khác nhau, không thống nhất..., gây ảnh hưởng đến quyền lợi người hiến và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, đối với ghép tạng của Việt Nam, kỹ thuật chuyên môn là “chuyện nhỏ” vì ngành Y đã có thể làm chủ; tạng nào có thể ghép được, ta đều làm được. Hai vấn đề khó nhất cũng chính là hai nguyên nhân hàng đầu đang làm cho ghép tạng chưa thể phát triển mạnh là thiếu nguồn cho chết não và thiếu bảo đảm tài chính cho ghép tạng. BHYT cần được chi trả đầy đủ cho ghép tạng để ngăn ngừa, giảm thiểu mua bán tạng và để bác sĩ chuyên tâm vào chuyên môn, không thể để bác sĩ tiếp tục vừa lo mổ, vừa lo đi xin tài trợ cho ghép. Cần sớm có những hoạt động, những bước đi cần thiết để cải thiện hai khó khăn trên.

Trước thực trạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Cục Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính, Bảo hiểm xã hội hoàn thiện xây dựng danh mục, định mức kỹ thuật để từng bước thanh toán BHYT trong ghép tạng. Đồng thời, giao các đơn vị từng bước hoàn thiện thể chế pháp lý về hiến ghép mô tạng...

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.