Lịch thi đấu giai đoạn 2 đã được ban điều hành VPF công bố vào ngày 2.10. Nhiều người thắc mắc vì sao lượt trận cuối của nhóm A lại không có mốc thời gian cụ thể
|
Sài Gòn FC (trái) sẽ tranh chấp với TP.HCM xem ai đá sân nhà lượt cuối? VPF |
Theo nguyên tắc của lịch thi đấu cho bất kỳ giải thể thao nào có tính đối kháng cao, nhất là bóng đá thì để đảm bảo công bằng, khách quan và hạn chế tối đa tiêu cực thường 2-3 lượt trận cuối phải đá cùng giờ. Ở giai đoạn 1 V-League vừa rồi 2 lượt cuối cũng đã được VPF xây dựng lịch đá cùng giờ nên phần nào đã đảm bảo tính chính xác của các thứ hạng các đội, nhất là trong cuộc chạy đua quyết liệt vào tốp 8 tranh chung kết xuôi (Sài Gòn, Viettel, Than Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Becamex Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) và tốp 6 tranh chung kết ngược (SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, SLNA, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam)
Nhưng khi xây dựng lịch thi đấu cho giai đoạn 2, VPF lại quá nhanh nhẩu đưa mã số sớm gửi các đội mà quên rằng tại V-League năm nay có 2 cặp cùng đia phương chọn cùng sân đấu. Đó là Hà Nội và Viettel cùng chọn sân Hàng Đẫy và Sài Gòn cùng với TP.HCM chọn sân Thống Nhất. Chính vì vậy nếu automatic theo thứ hạng để sắp tên đội theo mã số chắc chắn sẽ có ít nhất 2-3 lượt đấu sẽ có trường hợp 2 đội Hà Nội và Viettel cùng đá sân nhà, tương tự như vậy là TP.HCM và Sài Gòn trong cùng lượt.
Như lượt trận đầu tiên Hà Nội đá với TP.HCM và Viettel đá với HAGL, lượt trận thứ 3 cũng tương tự Viettel đá Becamex Bình Dương và Hà Nội gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tình hình cũng lập lại ở lượt trận thứ 6 khi Viettel đá Than Quảng Ninh và Hà Nội gặp Sài Gòn. Tất cả đều trên sân Hàng Đẫy. Trong khi đó sân Thống Nhất cũng rơi vào hoàn cảnh ‘dính’ 2 lượt . Đó là lượt thứ 5 Sài Gòn gặp Than Quảng Ninh và TP.HCM gặp HAGL, tiếp đó là lượt thứ 7 Sài Gòn gặp Viettel và TP.HCM gặp Becamex Bình Dương.
|
TP.HCM (phải) có chịu đi sân khác ở lượt cuối khi lịch đã công bố VPF |
VPF cũng đã tìm cách tách ra 2 ngày thi đấu sát nhau để các trận này không trùng ngày nhưng điều này chỉ đúng ở các lượt đầu khi tính chất các trận đấu chưa phải là quyết định một cách sống còn, còn những lượt sau đó về nguyên tắc phải đá cùng giờ cùng ngày. Đúng ra 7 lượt đấu nhóm A thì phải có ít nhất 2 lượt cuối đá cùng giờ mới công bằng (nhóm B chỉ có 5 lượt thì BTC đã sắp 1 lượt cuối cùng giờ), nhưng VPF đã cho luôn lượt thứ 6 đá 2 ngày khác nhau. Rõ ràng cùng ở Hàng Đẫy trận Hà Nội gặp Sài Gòn sẽ rất lợi thế khi đá sau trận Viettel gặp Than Quảng Ninh cũng như trận Hồng Lĩnh Hà Tĩnh gặp TP.HCM đá sau trận Becamex Bình Dương gặp HAGL trước đó 1 ngày cũng dễ dàng biết được vị trí cũng như tình hình đối thủ mà tính toán. Đúng ra ở lượt đấu thứ 6 này sự công bằng bắt buộc phải đặt lên hàng đầu thì cách sắp thời gian như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyên môn.
|
Sài Gòn có chịu từ bỏ cổ động viên đông đảo của mình để đi sân khác NGỌC HẠNH |
Đến lượt thứ 7 (lượt cuối nhóm A) bắt buộc đá cùng giờ xảy ra sự kiện 2 đội Sài Gòn và TP.HCM cùng đá sân Thống Nhất, vậy đá cùng ngày cùng giờ kiểu gì? Đặt trường hợp cả 2 đội đang tranh chấp ngôi vô địch và cũng muốn phục vu, tận hiến cho cổ động viên của mình thì liệu đội nào sẽ từ bỏ sân nhà để đi sân khác thi đấu? Câu chuyện ở đây là khi công bố mã số, VPF đã không đưa ra những nguyên tắc kèm theo trong trường hợp 2 đội cùng đá 1 sân cùng ngày cùng giờ, ví dụ như hoán đổi lượt đấu cận kề nhất hoặc phải họp các đội lại đưa ra giải pháp bốc thăm cho các đội trùng sân ít nhất là 2 lượt cuối, để đội nào bốc phải mã sân phải thay đổi thì còn có thời gian tìm sân phù hợp. Chính vì không lường ra được những éo le về lịch thi đấu mà đã vội vàng công bố, nên dẫn đến chuyện lượt trận cuối khi công bố để trống cả ngày lẫn giờ rất.. không giống ai.
Có lẽ VPF sẽ lại đối phó bằng cách thuyết phục 1 trong 2 đội bóng TP.HCM phải chọn sân khác là sân nhà sau khi lịch thi đấu vỡ ra nhiều sơ xuất này. Nhưng dù là tìm cách ‘chữa cháy’ kiểu gì thì một lần nữa cho thấy những hạn chế và sự thiếu chuyên nghiệp không đáng có của bộ phận điều hành làm lịch thi đấu của VPF.
|
Lượt trận cuối để trống thời gian |
Theo Thanh Niên