Vì sao tình trạng "suy thoái tư tưởng đạo đức" ngày càng trầm trọng?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái” là do tình trạng làm không triệt để vì “bệnh nể nang”, thậm chí biến tướng thành sự bao che cho nhau.

"Tại sao trong xã hội có sự lo lắng là không tìm được “bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng đạo đức” ở đâu, nó ở trong mỗi người, ở trong từng tổ chức chứ ở đâu? Không dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nể nang, bao che sự thật thì sẽ hạn chế hiệu quả”-GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh.

PV:Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh đến tình trạng suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên. Không phải bây giờ tình trạng này mới được đặt ra mà cách đây 5 năm, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng đã nhấn mạnh vấn đề này. Ông có nhận định gì về những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI?

GS Hoàng Chí Bảo: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là một Nghị quyết lịch sử mà lúc ban hành rất được lòng dân, lòng Đảng. Toàn Đảng, toàn dân mong đợi Nghị quyết đó. Nghị quyết nói về những việc cấp bách trong xây dựng Đảng, mà cụ thể là phải phòng tránh và vượt qua được tình trạng suy thoái, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

 

GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương
GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương


Suốt 5 năm qua, chúng ta đã thực hiện được gì và những gì không thực hiện được, Đảng ta đã có đánh giá trong Đại hội Đảng XII, ngoài Báo cáo chính trị ra, còn có cả một báo cáo kiểm điểm về xây dựng Đảng, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 như thế nào, báo cáo của Trung ương đã rất sáng tỏ, tường minh, toàn diện, đem lại nhận thức chung cho toàn Đảng, toàn dân. Ở đây có thể nhấn mạnh vào một vài điểm, trong đó có việc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI góp phần thức tỉnh, cảnh báo, răn đe.

Tình trạng suy thoái có phần nghiêm trọng như Đảng ta đã nhận định, từ tác dụng, ý nghĩa của Nghị quyết, cũng như việc thực hiện Nghị quyết này trong những năm vừa qua mà Đảng đã từng bước củng cố được tổ chức và lực lượng của mình. Rõ ràng cũng đã từng bước góp phần ngăn chặn được những suy thoái, thậm chí những suy thoái nặng nề trầm trọng đến mức phạm tội, thì đã được xử lý trước Tòa án.

Việc làm thứ 2 là qua Nghị quyết này, chúng ta cũng từng bước nâng cao được ý thức trách nhiệm cho từng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nâng cao được ý thức của người dân trong việc chủ động, tích cực, xây dựng Đảng. Bác Hồ nói dựa vào dân để xây dựng Đảng, dân làm chủ nhưng dân có nghĩa vụ của người chủ, một trong những nghĩa vụ đó là dân phải giúp cho Đảng của mình trong sạch, vững mạnh.

Tiếng nói của người dân trong 5 năm thực hiện Nghị quyết đã được thể hiện, từ cơ sở đến tất cả các địa phương trong cả nước, dân góp ý rất chân thành, sâu sắc, thậm chí có cả những phê phán nghiêm khắc và cũng có cả những kiến nghị đầy thiện chí, chỉ mong cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Nó khởi động không chỉ trong Đảng, mà còn khởi động trong dư luận, trong nhân dân. Nhất là những thế hệ Đảng viên lâu năm trong Đảng, những Đảng viên lão thành, những người đã trải nghiệm cuộc sống qua chiến tranh, lo lắng cho vận mệnh đất nước, vận mệnh của Đảng, thì Nghị quyết này được họ quan tâm đặc biệt và thi hút được một sự đồng thuận trong dân, trong Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Một điểm đạt được nữa là cũng với việc thực hiện Nghị quyết, thì chúng ta đã gắn liền với việc học tập làm theo Bác. Lúc đầu chúng ta nhấn mạnh là học tập tấm gương của Bác, còn bây giờ chúng ta nhấn mạnh là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Gắn cuộc học tập di sản Hồ Chí Minh với xây dựng Đảng thì chúng ta đã làm nâng cao được nhận thức của cán bộ Đảng viên và của nhân dân, cũng như củng cố được nền tảng tinh thần của Đảng, giúp cho được việc gắn kết chặt chẽ đoàn kết giữa Đảng với dân, nhất là khi Đảng đã ban hành Nghị quyết về dân vận trong tình hình mới. Quan hệ giữa Đảng với dân là quan hệ máu thịt, xây dựng văn hóa con người Việt Nam làm cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác nói.

“Tự diễn biến” ở trong mỗi người, ở trong từng tổ chức

PV:Đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII lần này, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh tình trạng suy thoái tư tưởng đạo đức trong một bộ phận cán bộ Đảng viên ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt chỉ rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng, đạo đức. Ông có thế cho biết vì sao tình trạng này qua 5 năm vẫn chưa được đẩy lùi, mà diễn biến lại phức tạp hơn?

GS Hoàng Chí Bảo: Chúng ta đã thực hiện được nhiều nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tuy nhiên những việc chưa làm được, yếu kém và hạn chế cũng không ít. Thứ nhất là tính không triệt để, Nghị quyết thì rất đúng đắn, nhưng khi thực hiện thì không triệt để.

Vì sao không triệt để, làm nửa vời vì không tự thoát ra được cái gọi là “bệnh nể nang”, cả nể, hình thức, thậm chí nhiều nơi biến tướng thành sự bao che cho nhau. Cho nên Đảng nêu rõ là “một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái”.

Tại sao trong xã hội có sự lo lắng là không tìm được bộ phận ở đâu, nó ở trong mỗi người, ở trong từng tổ chức chứ ở đâu? Không dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nể nang, bao che sự thật thì sẽ hạn chế hiệu quả.

Một điểm nữa là thực hiện Nghị quyết này 5 năm nhưng niềm tin của dân cũng chưa được phục hồi đến mức chúng ta mong muốn, nhất là sau Đại hội XII lại có biết bao hiện tượng tiêu cực được bộc lộ trên báo chí, trong dư luận, càng làm cho sự dằn vặt của chúng ta về dân với Đảng như thế nào đang là sự tồn tại chưa được khắc phục.

Một tiêu chí rõ nhất để đánh giá nếu Đảng trong sạch vững mạnh, nếu thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 thì thì phải chữa trị được căn bệnh quan liêu, tham nhũng. Quan liêu vẫn rất nặng nề, xa dân từ cơ sở đến Trung ương, ở đâu cũng có biểu hiện xa dân. Xa dân là không hiểu cuộc sống của dân, không thấu lý đạt tình với dân. Từ đời sống việc làm, giao thông, ô nhiễm, rồi tình trạng những tiêu cực trong vấn đề cán bộ làm cho dân nhức nhối, việc bổ nhiệm gia đình dòng họ, những người thân quen, đến mức người ta còn dùng tiền để chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương, chạy luân chuyển… như Đảng ta thừa nhận là có.

Những tồn đọng đó chưa giải quyết được. Đó là nhận thức chưa đầy đủ, hành động chưa đồng bộ nên kể cả khi tham nhũng đã phát hiện ra, xử lý cũng kịp, mà xử lý rồi thì đáp số cuối cùng mà dân mong đợi là thu hồi tài sản tham nhũng cũng chưa làm được.

Tất cả nhưng điều đó cho thấy Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI tuy rất đúng đắn nhưng việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chưa tốt, có thể nói là chưa triệt để nên còn rất nhiều hạn chế. Vì thế đến Đại hội XII, Đảng ta phải công khai thừa nhận một điều rằng trên thực tế vì những khuyết điểm như thế mà Đảng chưa trong sạch vững mạnh thực sự. Nhận thức như thế là một sự tự phê bình rất nghiêm khắc.

Cách đây 20 năm, ở Đại hội VII Đảng ta còn thừa nhận là Đảng ta đông nhưng chưa mạnh. Tất cả những điều đó cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề trong việc thực hiện, cho nên phải tiếp tục thực hiện nó trong khóa XII này và đồng thời Bộ Chính trị và Trung ương tiếp tục có những Chỉ thị và Nghị quyết mới, Bộ Chính trị có chỉ thị 05 học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là biện pháp quan trọng trong xây dựng chỉnh đốn Đảng. Trung ương 4 vừa rồi không chỉ nhấn mạnh việc chống suy thoái mà còn chống cả việc tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Chống tự diễn biến, tự chuyển hóa là giải pháp có tính chất sống còn

PV:Xây dựng Đảng tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.  Ông có bình luận gì khi nhấn mạnh việc này trong tình hình hiện nay?

Ông Hoàng Chí Bảo: Chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ mà bao trùm tất cả là chống sự suy thoái mà Đảng nhấn mạnh trong tình hình hiện nay là rất đúng đắn, rất cần thiết, bởi vì tình trạng suy thoái nó đã rất nghiêm trọng và phổ biến.

Hai là đất nước chúng ta đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ của đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Thời kỳ của chuyển bằng được một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp. Thời kỳ phải giữ cho được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng.

Trong tình hình như vậy, trọng trách của Đảng này càng lớn, trách nhiệm của Đảng ngày càng nặng nề, sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao cho Đảng hơn lúc nào hết là phải bảo vệ được Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, để bảo vệ chế độ mà thực chất sâu xa là bảo vệ nhân dân.

Vì lẽ đó, lần này Nghị quyết nói rõ, đánh giá nghiêm khắc thực trạng, nhận diện công phu trên tất cả các biểu hiện cả tự suy thoái, tự diễn biến trong nội bộ với một hệ thống 27 biểu hiện, kèm theo đó là những quan điểm, biện pháp giải quyết, nhất là các nhóm giải pháp lớn để chúng ta chấn chỉnh tình hình là rất cần thiết. Coi đây là một giải pháp ở tầm chiến lược có tính chất sống còn, cách mạng thành hay bại có đạt mục tiêu hay không, có giữ gìn được sự nghiệp hay không?. Tầm quan trọng của lần này Nghị quyết của Đảng ban hành có ý nghĩa như vậy.

PV: Thưa ông, trong xây dựng Đảng thì nội dung xây dựng đạo đức trong Đảng cũng được Đảng ta nhiều lần đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII và Nghị quyết Trung ương 4. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo ông chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Hoàng Chí Bảo: Vấn đề đạo đức trong Đảng nhất là khi Đảng cầm quyền là rất quan trọng. Tại sao Bác định nghĩa Đảng là đạo đức, là văn minh. Trong một thời gian dài trước đây, nói về xây dựng Đảng ta thường nhấn mạnh về 3 lĩnh vực, chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Điều đó đúng nhưng không đủ và Đại hội XII, trước tình hình như vậy đã nhấn mạnh lần đầu tiên là xây dựng Đảng về đạo đức. Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức nó làm phong phú thêm cho nội dung xây dựng Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức phản ánh đúng tình hình hiện nay là Đảng phải trong sạch về đạo đức mới xứng đáng là lãnh đạo cầm quyền. Vì thế đề ra rất nhiều biện pháp để thực hiện,  chúng ta đang thực hiện và còn tiếp tục phải thực hiện lâu dài.

Một là phải học tập làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tấm gương đạo đức của Bác. Cả cuộc đời Bác là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính. Bây giờ phải dựa vào đạo đức, tư tưởng, phong cách của Bác về đạo đức, cả về ý thức đạo đức, cả về tình cảm đạo đức, nhất là tình cảm đối với nhân dân. Xây dựng cả về hành vi đạo đức, nghĩa là trong lối sống, trong việc làm, trong hoạt động.

Tôi cho là phải tận dụng điều đó, nhất là Bác Hồ để lại cho chúng ta 5 tác phẩm tiêu biểu, đã được Đảng và Nhà nước chính thức xếp hạng bảo vật quốc gia. 5 tác phẩm đó đều nhấn rất mạnh đến vấn đề đạo đức. Để xây dựng đạo đức trong Đảng thì từng người phải có đạo đức theo đúng gương sáng Hồ Chí Minh.

Thực hành đạo đức trong lối sống trong việc làm và gương mẫu của người đứng đầu cực kỳ quan trọng, phải coi đây là một biện pháp lớn, sự gương mẫu về đạo đức, sự trong sáng về lối sống của những người đứng đầu thì mới có thể làm gương cho toàn Đảng, toàn dân.

Một biện pháp theo tôi rát cần là phải đưa nội dung đạo đức vào chương trình giáo dục của Đảng. Trong xã hội cũng vậy, phải tiến tới xây dựng một bộ luật về đạo đức, đưa ra những chuẩn mực, nguyên tắc, thước đo đánh giá, những việc phải làm, những việc phải tránh. Mọi người, nhất là đảng viên phải thực hiện bộ luật đạo đức này như một trách nhiệm chính trị của mình. Phải thực hiện như lương tâm của mình thì mới chống được sự suy thoái về đạo đức trong xã hội hiện nay.

Phải chấn hung đạo đức dân tộc, trước hết là chấn hưng đạo đức trong Đảng, nhất là phải chống cho được tình trạng vô trách nhiệm đến mức vô cảm. Như thế vẫn chưa đủ, phải giáo dục liêm sỉ, giáo dục về danh dự, giáo dục phải biết nhục nhã khi tham nhũng.

Cuối cùng phải rất chú trọng đến sức mạnh của dư luận xã hội, của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là báo chí, để luôn luôn đề cao người tốt, tấm gương tốt, để phê phán và loại bỏ cái xấu, tức là thực hiện lời của Bác “xây và chống đi liền với nhau”, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp. Vì thế phải phát huy người tốt, việc tốt để đẩy lùi cái xấu, cái ác thì chúng ta sẽ có một đời sống đạo đức tốt đẹp trong Đảng, làm gương trong nhân dân và xã hội. Và đó là chính để xây dựng đạo đức trong Đảng.

PV:Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.