Vay tiền qua app: 'Trống thúc nợ đòi' ngay giữa mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ứng dụng quảng cáo cho vay dễ dàng, vài phút nhận tiền khiến nhiều người 'tặc lưỡi' rồi sa vào con đường vay nặng lãi, kêu trời mà không rút chân ra được.
 
Một trang web tư nhân đứng ra cho vay nhưng giới thiệu cho vay tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh: TẤN LỰC
Quảng cáo "không lãi suất" nhưng vay 3 triệu, 7 ngày sau phải trả 6 triệu đồng. Giữa mùa dịch, Tuổi Trẻ nhận được hàng loạt kêu cứu dạng như trên với nhiều hình thức gạt người dân. Trong đó đa phần là vay qua app, số khác vay ở các công ty tài chính.
Vay 3 triệu, 7 ngày phải trả 6 triệu
Cầu cứu đến báo Tuổi Trẻ, chị Nhi (TP.HCM) cho biết vừa qua đang lúc cần tiền, lại nghe nói vay tiền online rất dễ nên chị lên mạng tìm hiểu. Sau đó chị vay ứng dụng cho vay Panda số tiền 3 triệu đồng. Lúc cho vay app nói là không lãi suất nhưng chỉ trong vòng 7 ngày chị bị yêu cầu phải trả 6 triệu đồng.
Chị Phương (Q.4) - một nạn nhân của tín dụng đen - cho biết đã vay đến 18 app khác nhau và hiện trả 40 triệu nhưng vẫn nợ gần 100 triệu đồng.
Đến hạn chưa trả, các app nhắn tin đe dọa, thậm chí còn soạn tin nhắn với nội dung nói chị là đối tượng đã dùng thủ đoạn để vay rồi sau đó tắt điện thoại trốn nợ và dọa sẽ khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đừng nghĩ dễ vay sẽ dễ chịu
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy hiện các ứng dụng vay tiền mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ cần gõ cụm từ "vay tiền qua app" hoặc "vay online" sẽ lập tức hiện lên hàng loạt ứng dụng cho vay tiền.
Nếu trước đây phổ biến là các app như Idong, Vdong, Tima, Cashwagon thì hiện nay có ứng dụng cho vay Panda, Vay tia chớp, Vay ATM, Uvay, Bagang, Vaydi...
Điều kiện để vay vốn dễ dàng, không cần gặp mặt, chỉ cần điền thông tin, số CMND, địa chỉ, nơi làm việc và cung cấp số tài khoản sẽ được cho vay. Tuy nhiên trên thực tế đường dây cho vay qua app vừa bị Công an TP.HCM triệt phá gần đây cho thấy có app cho vay lãi suất lên đến 1.000%/năm.
Người vay còn bị "chặt đầu chặt đuôi", vay 1,5 triệu đồng chỉ nhận được 1,1 triệu, vay 5 triệu thực nhận 3,5 triệu vì bị trừ trước tiền lãi nhưng vẫn tính đủ lãi trên số tiền gốc.
Không chỉ vay qua app, nhiều trường hợp vay các công ty tài chính cũng "cầu cứu" khi bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Mới đây một phụ nữ tại Thủ Đức vay một công ty con của ngân hàng 31 triệu đồng, đã trả được 5 kỳ liên tiếp, mỗi kỳ 2,5 triệu đồng thì bà này bị bệnh.
Đến tháng 3-2019 bà này phải tháo khớp gối và nằm một chỗ nên không còn khả năng lao động. Bên cho vay vẫn liên tục đòi nợ, đưa "trát" thông báo đã bán nợ qua công ty thu hồi nợ tên Đại Phong.
Thông báo bán nợ có ký tên đóng dấu Công ty Đại Phong được gửi đến người vay nhuốm màu sắc tín dụng đen khi logo công ty là một con hổ với slogan "Nợ là phải trả", và cảnh báo gia đình bà này trả nợ để "tránh mất mát không cần thiết".
Ngoài ra, bà này còn bị in hình lên tờ thông báo trả nợ với những lời cảnh cáo rất đanh thép như "Có vay có trả, tiền mất có thể kiếm lại đừng để mất mát rồi mới trả nợ". Đồng thời họ cảnh báo người nhà đừng ra đường vì "chúng tôi sẽ có những hành động không giới hạn".
Chỉ khi trường hợp này được phản ánh lên một trang fanpage có đến 116.000 người theo dõi, phóng viên liên hệ với ngân hàng thì được cho biết đây là biện pháp do... nhân viên thu hồi nợ tự chế ra. Ngân hàng đã xem xét và miễn toàn bộ gốc lãi cho riêng trường hợp này.
Chính quyền cần vào cuộc mạnh hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho biết trong thời điểm dịch bệnh, nhiều người bị mất việc làm nên dễ tìm đến các hình thức vay trên vì nghĩ rằng số tiền ít nên dễ trả hết nợ. Thế nhưng thực tế không dễ như vậy.
"Hiện nay loại hình tín dụng đen nở rộ, thậm chí các đối tượng cho vay nặng lãi tự tiếp cận đến các xóm lao động nghèo để chào mời vay.
Việc cho vay này thường núp bóng dưới dạng hợp đồng vay nợ và mỗi khi đến hạn mà người vay không trả được gốc lãi sẽ phải ký giấy vay nợ mới. Như vậy từ một khoản vay nhỏ, đến một lúc người vay phải gán cả nhà để trả nợ" - ông Minh cảnh báo.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, quy định hiện nay về việc xử phạt những hình thức cho vay nặng lãi còn rất nhiều khoảng hở nên các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng lách luật. Chẳng hạn quy định lãi suất cho vay không quá 20% nhưng các đối tượng này lách bằng cách hợp đồng ghi lãi suất 20% nhưng phí đến 280%.
"Chính người dân phải hiểu những rủi ro để tránh xa hình thức cho vay quá rủi ro này. Song song đó, chính quyền phải vào cuộc để bảo vệ người dân cũng như tuyên chiến với tín dụng đen" - ông Đức nói.
Núp danh, gây nhầm lẫn để lừa gạt
Mới đây, anh T.L.T.L. trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng báo tin đến báo Tuổi Trẻ do dịch COVID-19, hai vợ chồng có nhu cầu khôi phục kinh doanh nhưng vì còn nợ xấu từ ngân hàng nên tìm kênh vay tiền trên mạng.
Trang Facebook "TPBank - bộ phận chuyên bao nợ xấu giải ngân trong ngày" kết nối anh L. với tài khoản Zalo có tên Chuyên viên thẩm định. Người này tư vấn khoản vay 200 triệu, lãi suất khoảng 13%/năm. Điều kiện vay đơn giản, chỉ phải trả trước tiền cọc, tiền bảo hiểm khoản vay và đóng lãi + gốc tháng đầu.
Tuy nhiên, khi nhận số tiền 22,5 triệu đồng thì vị "chuyên viên" lặn mất tăm.
Hiện nhiều web quảng cáo cho vay, hỗ trợ tín dụng thường lấy tên gần giống tên ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. Ví dụ: Công ty TNHH tài chính SHINBANK, tín chấp ngân hàng chính sách xã hội...
Ông Võ Minh, giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đà Nẵng, cho biết việc các cá nhân, công ty sử dụng cụm từ "công ty tài chính", "bank" có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng và vi phạm Luật các tổ chức tín dụng.

TẤN LỰC

Áp dụng nhiều biện pháp nhưng chưa ngăn được
Đại tá Phan Thanh Tám, phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết thời gian qua Gia Lai đã tổ chức nhiều chuyên án triệt phá những ổ nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đặc biệt, các ổ nhóm tín dụng hoạt động sâu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Tám, vấn nạn tín dụng đen đã được đề cập nhiều và các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp nhiều năm nay nhưng chưa thuyên giảm là do nhu cầu của người dân cần có khoản vay nhanh.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp phép không thể đáp ứng việc cho vay nhanh khi thiếu tài sản đảm bảo, rồi vay "nóng" ngoài giờ hành chính. Đây là khe hở để tín dụng đen, gần đây là cho vay qua mạng "bùng" lên.
Về giải pháp, ông Tám khuyến nghị người dân hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng hệ thống tín dụng qua mạng, vay tiền từ các đối tượng ngoài xã hội để tránh rủi ro.
HUỲNH CÔNG ĐÔNG
ÁNH HỒNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

(GLO)- Sở Tài chính tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa áp dụng trên địa bàn tỉnh.