Uống Methadone cai nghiện ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình uống Methadone miễn phí cai nghiện ma túy bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Với mục đích giúp người nghiện từ bỏ hoàn toàn ma túy và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tháng 3-2016, tỉnh ta triển khai chương trình uống Methadone miễn phí. Methadone là một dạng chất có tác dụng tương tự như các dạng thuốc phiện, được sử dụng làm chất thay thế nhằm điều trị cai nghiện ma túy. Sau một thời gian uống Methadone theo đúng quy trình điều trị, bệnh nhân sẽ từ bỏ hoàn toàn ma túy và cũng không còn lệ thuộc vào Methadone.

 

Tư vấn điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone tại Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: N.T
Tư vấn điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone tại Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: N.T

Theo số liệu từ Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh, từ khi triển khai chương trình cho đến nay, số lượng người tham gia uống Methadone miễn phí ngày một gia tăng. Khi mới bắt đầu triển khai chương trình, có 50 trường hợp tham gia. Sau 2 năm, số người tham gia tăng thêm 27 trường hợp. Các trường hợp tham gia uống Methadone có độ tuổi từ 20 đến 45, trong đó có 2 nữ và 75 nam, đa phần ở TP. Pleiku, huyện Ia Grai và huyện Chư Prông.

Từ tháng 3-2016 đến nay, hàng ngày, Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh luôn mở cửa tiếp đón mọi người đến uống Methadone miễn phí cai nghiện ma túy. “7 giờ sáng mỗi ngày, chúng tôi bắt đầu tiếp đón, khám và cho người nghiện ma túy uống Methadone cai nghiện. Mỗi trường hợp có một liều lượng uống Mathadone khác nhau. Hiện nhiều người đã cai được ma túy, không còn cảm giác thèm ma túy, nếu có hút thì cũng sẽ không còn cảm giác phê thuốc như trước đây. Với các trường hợp này, chúng tôi đã giảm liều uống, hướng tới điều trị cai nghiện Methadone và cho ra khỏi chương trình”- bác sĩ Lê Văn Thìn (Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất ma túy, thuộc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh) cho hay.

Là một trong những người tham gia uống Methadone từ khi chương trình mới triển khai cho đến nay, anh V.T.V. (SN 1993, trú huyện Ia Grai) chia sẻ: “Vì đua đòi theo bạn bè nên tôi nghiện ma túy. Gia đình đã đưa tôi đi cai nghiện nhưng không dứt được. Khi biết tin tỉnh cho uống Methadone cai nghiện ma túy, tôi liền đăng ký tham gia chương trình. Mỗi sáng, tôi chạy xe máy từ Ia Grai xuống uống Methadone rồi về đi làm. Sau hơn 2 năm điều trị, tôi đã cai được ma túy, ăn ngủ tốt hơn và tăng cân. Các bác sĩ ở đây bảo tôi tiếp tục uống Methadone cho đến khi nào có chỉ định dừng mới thôi”.

Song song với hoạt động uống Methadone miễn phí, Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông phòng-chống tác hại ma túy, HIV/AIDS; tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được những lợi ích của việc uống Methadone cai nghiện các dạng ma túy. Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức các chương trình truyền thông phòng-chống HIV/AIDS, treo 20 băng rôn, khẩu hiệu và phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về lợi ích của việc uống Methadone. Bên cạnh đó, các bác sĩ tại Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh còn tiếp đón, khám, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS và các trường hợp muốn tham gia chương trình uống Methadone cai nghiện các dạng chất ma túy.

Theo bác sĩ Bá Tường Đăng Phong-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh: “Từ khi triển khai chương trình cho đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị tai biến hoặc biến chứng với Methadone. Sau khi điều trị, bệnh nhân có quan hệ tốt hơn trong gia đình và xung quanh. Đây thật sự là cơ hội để cho hàng trăm người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có thể từ bỏ được “cái chết trắng” và trở về cuộc sống đời thường”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phong, số người tham gia chương trình còn hạn chế do địa bàn tỉnh rộng, trong khi chỉ có một nơi tổ chức uống Methadone cai nghiện ma túy. Đội ngũ y-bác sĩ được đào tạo bài bản để tham gia điều trị cai nghiện ma túy cho bệnh nhân còn thiếu. Nhiều bệnh nhân chưa chấp hành đúng quy định trong việc uống Methadone cai nghiện… “Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là khi dự án rút, người bệnh phải tự bỏ tiền mua Methadone (khoảng 10 ngàn đồng/liều) nên nguy cơ bệnh nhân bỏ chương trình rất cao”-bác sĩ Phong cho biết thêm.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.