(GLO)- Ông Đào Văn Côi (thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) là một cựu chiến binh thuộc lớp tuổi “xưa nay hiếm” nhưng có ý chí vươn lên thoát nghèo từ đôi bàn tay trắng.
Được một người bạn giới thiệu trong Hội Cựu chiến binh xã Ia Pal có một người chuyên “bắt” nhãn ra quả trái vụ, tôi tò mò tìm đến nhà ông Đào Văn Côi. Tiếp chúng tôi trên chiếc ghế đá trước sân nhà, dưới tán của một cây nhãn cổ thụ, ông kể: Tôi nhập ngũ năm 1972, công tác tại xưởng quân giới tỉnh Bình Định. Xuất ngũ năm 1976 với một bên mắt không còn nguyên vẹn, tôi về lại quê hương ở xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Càng đau buồn hơn khi người vợ đã lấy chồng khác. Tôi xin làm giáo viên dạy chữ cho người mù tại huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương). Rồi tôi gặp người vợ thứ 2 là Kim Thị The cũng lỡ một đời chồng. Năm 1997, gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Vợ chồng ông Đào Văn Côi bên vườn mía tím. Ảnh: A.S |
Với lưng vốn chỉ đủ mua được mảnh đất làm nhà ở tạm bợ, đến khi 3 đứa con lần lượt ra đời, trong đó có đứa con gái thứ 2 bị di chứng của chất độc da cam, cuộc sống gia đình ông càng vất vả hơn. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà cấp 4 vào năm 2007. An cư, vợ chồng lại tiếp tục làm thuê, làm mướn để có cái ăn. Rồi trồng nhãn, trồng mía, từ đó phát triển lên và tích lũy vốn dần dần.
Qua nhiều năm làm lụng vất vả, chi tiêu tiết kiệm, gia đình ông đang sở hữu hơn 3 ha đất, trong đó trồng xen 440 cây nhãn ở vườn cà phê và 7 sào mía tím. Đưa chúng tôi tham quan những cây nhãn gần 20 năm tuổi sai oằn, trái đóng chùm, dày ken treo lủng lẳng trên cây, ông khoe: “Với 440 gốc nhãn kinh doanh và nhãn tơ cho trái, thu hoạch vào thời điểm trái vụ khoảng 6 tấn, nhân với 30.000 đồng/kg thì cầm chắc trong tay 180 triệu đồng. Còn với cây mía tím giống Thanh Dịu mang từ ngoài Bắc vào, nhân giống ban đầu chỉ vài chục đọt, đến nay đã lên đến 7 sào. Nếu bán trong dịp Tết ít nhất cũng được 180 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ nhãn, mía, tôi còn có nguồn thu từ gà, heo và 150 cây cà phê. Tính ra cũng xấp xỉ gần nửa tỷ đồng”.
Hiện nay, con cái ông đã thành đạt và ra riêng. Ông thường nói với con cháu: “Các con phải biết lao động thì của cải vật chất mới đến với mình. Dù ở đâu cũng vậy, cần cù chịu khó thì thành quả sẽ mỉm cười với chúng ta”.
Ông Đồng Văn Bờ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Pal, nhận xét: “Ông Đào Văn Côi là một cựu chiến binh sản xuất giỏi, luôn hết lòng giúp đỡ các hội viên khác về kỹ thuật ép nhãn ra trái vụ. Thông thường, nhãn ra đúng vụ vào tháng 5 nhưng ông đã ép nhãn ra vào tháng Chạp Âm lịch để kịp bán vào dịp Tết nhằm được giá cao hơn. Không phải là người làm khoa học nhưng ông đã tìm hiểu và làm được là điều rất hiếm. Vì thế, ông đã được kết nạp vào Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất giỏi của huyện Chư Sê”.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Côi còn tích cực giúp đỡ hộ nghèo, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đặc biệt, ông còn trích phần đất của vườn nhà hiến cho tịnh xá Phú Cường 2 sào để xây dựng khuôn viên.
Với tinh thần vượt khó, sáng tạo, cần cù, say mê lao động, ông Đào Văn Côi là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.
An Sinh