Được phát động bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF (World Wildlife Fund), Chiến dịch Giờ Trái đất bắt đầu từ năm 2007 tại Sydney (Australia) với việc kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút tối (giờ địa phương) ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Logo của Chiến dịch Giờ Trái Đất được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt thành số 60-tượng trưng cho số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay, logo của Giờ Trái Đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa. Với ý nghĩa đó, hiện Giờ Trái đất đã trở thành sự kiện quốc tế hằng năm và được rất nhiều quốc gia nghiêm túc thực hiện.
Logo Chiến dịch Giờ Trái đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa. Ảnh: Internet |
Tại Gia Lai, triển khai sự kiện này, những năm qua, Công ty Điện lực Gia Lai đã tích cực tuyên truyền để người dân được biết và hưởng ứng sự kiện bằng rất nhiều hình thức, như: treo băng rôn, phướn tại các địa điểm giao dịch khách hàng; phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện đến tay người dân, kết hợp quảng bá và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Gia Lai cũng làm việc với các đơn vị quản lý chiếu sáng tại tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, lập biên bản cam kết về việc thực hiện tiết giảm phụ tải vào thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất. Các khu vực, đối tượng được tiết giảm phụ tải như: Công viên, đèn chiếu sáng công cộng, các biển hiệu quảng cáo ngoài trời...
Nhằm nâng cao kiến thức cũng như ý thức của người dân, ngành điện Gia Lai đã phát động tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, giải chạy online “Ứng dụng tập thể thao Uprace”, thay avatar, chia sẻ thông tin, hình ảnh sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 trên facebook, zalo cá nhân.
Toàn bộ đèn đường trên tuyến đường Quang Trung (TP. Pleiku) đã tắt trong vòng 1 tiếng để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 (diễn ra ngày 23-3). Ảnh: Hà Duy |
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá này còn có sự tham gia tích cực của Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai bằng việc tăng cường tuyên truyền về việc hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.
Theo Sở Công thương, việc tích cực tuyên truyền Chiến dịch Giờ Trái đất đã có tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, qua quan sát việc tham gia hưởng ứng thì ngoài các hệ thống điện công cộng trên các tuyến đường trung tâm thành phố được tắt, còn lại đều chưa thực hiện nghiêm.
Không khó để thấy, khí hậu đang nóng lên từng ngày. Ngay trên địa bàn tỉnh Gia Lai-một cao nguyên với nhiều suối, hồ và cây xanh nhưng nhiệt độ đang ngày tăng càng cao. Hạn hán ngày càng gay gắt khiến hệ thống thủy điện đối mặt với nguy cơ thiếu nước để sản xuất điện.
Em Đào Xuân Gia Khang (học sinh lớp 8.1, Trường THCS Trưng Vương, TP. Pleiku) tắt điện để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất sau khi nghe tuyên truyền về ý nghĩa của Chiến dịch này. Ảnh: Hà Duy |
Nguồn điện không phải là nguồn năng lượng vô tận, cho nên nếu sử dụng lãng phí thì ngày nào đó, nguồn năng lượng quan trọng này sẽ trở nên cạn kiệt. Bởi vậy, tiết kiệm điện đã không chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền cho bản thân, cho gia đình mà còn góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Sở Công thương, sản lượng điện tiết kiệm được trên địa bàn tỉnh trong Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 là 3.780 kWh, nhiều hơn so với năm 2023 là 1.310 kWh. Điều này rõ ràng cho thấy, chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều hơn thế nữa nếu mỗi người có thêm 1 chút ý thức. Thông điệp "Tiết kiệm điện-Thành thói quen" của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 không chỉ đơn giản là khuyến khích người dân tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường chỉ trong một giờ đồng hồ, mà cần nâng thành thói quen của cuộc sống thường ngày.