Trường đại học lớn nhất ở Nga tự hào về nghiên cứu sinh ưu tú Nguyễn Phú Trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Học viện Hành chính Công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA), hay còn gọi là Học viện Tổng thống là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tập và nghiên cứu.
RANEPA là trường Đại học lớn nhất của Liên bang Nga, là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tập, nghiên cứu. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

RANEPA là trường Đại học lớn nhất của Liên bang Nga, là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tập, nghiên cứu. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Nằm ở Tây Nam thủ đô Moskva có một cơ sở đại học lớn nhất Liên bang Nga với 47 chi nhánh trên toàn quốc.

Cơ sở giáo dục danh tiếng và truyền thống này không chỉ là nơi đào tạo các chuyên gia quản lý cho đất nước Nga rộng lớn mà còn có lịch sử gắn liền với rất nhiều nhà lý luận tư tưởng cộng sản lớn của Việt Nam, một trong số đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây chính là nơi hội tụ những nền tảng tư tưởng quan trọng để định hình một nhà lãnh đạo Đảng có tư duy lý luận sắc bén, nền tảng kiến thức uyên thâm.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Học viện Hành chính Công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA), hay còn gọi là Học viện Tổng thống, có lịch sử từ năm 1921 - khi Lãnh tụ V.I Lenin ký sắc lệnh thành lập “Học viện Giáo sư Đỏ.”

Trong suốt lịch sử của mình, Học viện đã nhiều lần đổi tên. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho Học viện không thay đổi là đào tạo cũng như nâng cao năng lực cho các nhà tư tưởng và chuyên gia quản lý đất nước.

Luận án của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được các học viên của Học viện tìm đọc. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Luận án của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được các học viên của Học viện tìm đọc. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Thời kỳ Liên Xô, từ tháng 8/1946 đến năm 1991, Học viện có tên gọi Viện Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) và đó cũng là giai đoạn Việt Nam cử nhiều nhà lý luận tư tưởng sang học tập và nghiên cứu.

Trong danh sách hiện còn lưu trữ tại Học viện Tổng thống có tên nhiều nhà tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số này, nhiều người đã giữ các cương vị cao như nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Y tế, Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Nguyên Phương; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Phạm Quang Nghị; nguyên Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn; nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, Tiến sỹ Hồng Vinh … và đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong sự nghiệp nghiên cứu lý luận của mình, tháng 9/1981, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án Phó Tiến sỹ (nay tương đương Tiến sỹ) ngành Khoa học Chính trị tại AON cho đến tháng 8/1983. Quãng thời gian hai năm nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thủ đô Liên Xô đã để lại những những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn học.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, ông Gennady Zyuganov nhớ lại: “Anh ấy và tôi tốt nghiệp cùng một học viện tại Moskva, học cùng một khóa, cùng đến một giảng đường, cùng trả thi với một giáo viên, phát biểu tại hội nghị, cuộc họp. Bề ngoài, anh ấy là một người đàn ông hiền lành, dễ mến và nói tiếng Nga rất tốt. Còn với tư cách là một nhà lãnh đạo, anh ấy rất có nguyên tắc và kiên định.... Tôi rất vui mừng vì nhân dân Việt Nam đã cống hiến cho phong trào cộng sản thế giới một người lãnh đạo chuyên nghiệp, có năng lực, cần cù, chân thành và xứng đáng như vậy”.

Bản luận văn của nghiên cứu sinh Nguyễn Phú Trọng "Hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay (dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô)", bảo vệ năm 1983, một chủ đề có tính thời sự vào thời điểm đó, nay được trưng bày trang trọng tại thư viện của Học viện Tổng thống cùng với các đầu sách nghiên cứu riêng về Việt Nam và vẫn thường được các học viên tìm đọc.

Bà Natalia Saphinskaia, Trưởng ban Quan hệ Quốc tế của RANEPA, bày tỏ sự tự hào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Duy Trinh/ TTXVN)

Bà Natalia Saphinskaia, Trưởng ban Quan hệ Quốc tế của RANEPA, bày tỏ sự tự hào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Duy Trinh/ TTXVN)

Bà Natalia Shafinskaya, Trưởng Ban quan hệ quốc tế của Học viện Tổng thống, cho biết Học viện tự hào và vinh dự được đào tạo nên nhiều lãnh đạo các nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ luận án Phó Tiến sỹ ở Học viện, bản luận án của ông được trưng bày tại thư viện để mọi học viên đều có thể đọc và tìm hiểu những tư tưởng của ông.

Bản luận án dày 189 trang đánh máy với 18 trang danh mục các tài liệu tham khảo, nguồn trích dẫn cho thấy sự đầu tư công phu, tâm huyết của tác giả.

Anh Lê Huỳnh Đức, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga, nghiên cứu sinh RANEPA cho biết luận án được nhiều người tìm đọc, tham khảo, qua tiếp cận bản luận án của Tổng Bí thư, các nghiên cứu sinh thực sự thán phục kết quả và phương pháp luận trong luận án. Kể cả trong điều kiện ngày hôm nay những tiêu chuẩn của luận án vẫn đáp ứng được tính khoa học, đòi hỏi cấu trúc của khoa học hiện đại.

Có thể thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ đầu sự nghiệp đã nhìn nhận một trong những vấn đề quan trọng nhất của Đảng là uy tín của người đảng viên trong nhân dân.

Thực tế sau này, cho đến cả khi giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, Tổng Bí thư đã hết sức quan tâm đến vấn đề làm trong sạch hàng ngũ cán bộ, đề xướng và thực hiện chiến dịch chống tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Những thành công của Việt Nam trong chống tham nhũng, trong phát triển kinh tế đã trở thành đề tài nghiên cứu tại "cái nôi" đào tạo lãnh đạo tương lai này.

Anh Lê Huỳnh Đức cho biết nhiều lần giới học thuật hàn lâm của Nga đã thể hiện sự quan tâm đến di sản lý luận của Tổng Bí thư. Ví dụ tại một cuộc gặp làm việc với Phó Giám đốc Học viện, ông tuyên bố rất mong muốn hợp tác đào tạo với Việt Nam và đích thân đề xuất một nội dung là nghiên cứu những lý luận, kinh nghiệm trong công cuộc phòng chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng và tiến hành hiệu quả trong những năm gần đây.

Trong các hội thảo khoa học tại trường, các vấn đề như trường phái "ngoại giao cây tre" luôn được coi là trọng tâm khi nghiên cứu về Việt Nam đương đại.

Bà Shafinskaya bày tỏ ngay sau khi biết tin buồn về Tổng Bí thư, Học viện Tổng thống đã có thư chia buồn và sẽ cử đoàn đến viếng lãnh đạo Việt Nam tại Đại sứ quán, thể hiện sự kính trọng đối với người học viên cũ đến từ đất nước còn vô vàn khó khăn song đã vươn lên bằng ý chí, bằng khát vọng tri thức, trở thành người lãnh đạo được nhân dân tin yêu.

Bằng nền tảng kiến thức và kinh nghiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ trở thành một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, có năng lực, cần cù, chân thành như người bạn Gennady Zyuganov đã đánh giá, mà còn có đóng góp to lớn vào lý luận cũng như thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã hội công bằng, văn minh ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Giải tập thể

Báo Gia Lai đạt giải tập thể và khuyến khích Giải Búa liềm vàng năm 2024

(GLO)- Tối 20-1, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Tổ chức Trung ương tổ chức trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX-năm 2024. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025).

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

(GLO)- Ngày 20-1, đoàn công tác do bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang sinh sống tại TP. Pleiku.

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/9 phấn khởi khi được đoàn công tác đến thăm, chúc Tết. Ảnh: Q.T

Quà Tết đến với lính nhà giàn DK1

(GLO)- Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong hải trình dài ngày vượt sóng to, gió lớn nhưng toàn bộ hàng hóa, quà Tết đã được đoàn công tác tàu Trường Sa 21 đưa đến các nhà giàn DK1 an toàn.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết gia đình người có công tại Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết gia đình người có công tại Đak Pơ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chiều 18-1, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà gia đình người có công tiêu biểu tại huyện Đak Pơ.