Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa phấn đấu trở thành bệnh viện vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) được đầu tư nhiều trang-thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân, phấn đấu đến năm 2025 trở thành bệnh viện vùng Đông Nam tỉnh.

Vận hành 5 máy chạy thận nhân tạo

Tháng 4 vừa qua, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đưa vào vận hành 5 máy chạy thận nhân tạo. Nhờ có thiết bị này, nhiều bệnh nhân bị suy thận mãn tính tại thị xã Ayun Pa cũng như các địa phương lân cận không còn phải lên tuyến trên để chạy thận nhân tạo như trước, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Sau 2 tháng hoạt động, Trung tâm đã nhận điều trị cho 23 bệnh nhân ở thị xã Ayun Pa và 3 huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa.

Điều dưỡng viên Ksor Thuyên cho hay: Công suất mỗi máy chạy thận nhân tạo hiện nay là 2 người/máy/ngày. Do khoảng 50% bệnh nhân chạy thận đang ở mức độ nặng nên các nhân viên y tế đều làm việc quá tải. Nhiều bệnh nhân từ huyện Chư Sê hay huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak) cũng tới đăng ký điều trị nhưng đơn vị không thể đáp ứng. Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ cử thêm 1 điều dưỡng viên đi đào tạo để nâng công suất phục vụ lên 3 người/máy/ngày.

Điều dưỡng viên Ksor Thuyên chăm sóc bệnh nhân Ksor Bren (thôn Sô Ma Lơng, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Điều dưỡng viên Ksor Thuyên chăm sóc bệnh nhân Ksor Bren (thôn Sô Ma Lơng, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Trước đây, ông Ksor Bren (thôn Sô Ma Lơng B, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) phải lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần. Khi biết tin Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đưa vào vận hành 5 máy chạy thận nhân tạo, ông đã đăng ký điều trị tại đây. “Thay vì di chuyển quãng đường gần 3 giờ đồng hồ như trước, giờ đây, tôi chỉ việc chạy xe máy 20 phút là tới nơi điều trị, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm được chi phí, vừa không làm phiền người nhà chở đi, đón về”-ông Bren cho biết.

Mặc dù mới phát hiện bệnh cách đây 2 năm nhưng ông Lộc Văn Nông (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) hiện phải chạy thận 3 lần/tuần. “Thời gian trước, tôi chạy thận ở Bệnh viện Quân y 211, riêng tiền xe đi lại mỗi lần là 140 ngàn đồng, chưa kể lịch chạy dày, có tuần mệt quá phải thuê nhà trọ ở lại nguyên tuần. Bây giờ, Ayun Pa có máy chạy thận nhân tạo rồi, tôi đỡ vất vả và chủ động hơn trong việc điều trị. Gia đình thuộc diện cận nghèo, mỗi lần chạy thận, tôi được bảo hiểm hỗ trợ 95%. Thời gian chạy mỗi lần là 4 giờ, phòng bệnh sạch sẽ, các y-bác sĩ nhiệt tình nên tôi rất yên tâm”-ông Nông chia sẻ.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Trung tâm Y tế thị xã hiện có 234 cán bộ, nhân viên với 180 giường bệnh. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm tiếp nhận gần 22.000 lượt người khám và điều trị, đạt 137% so với cùng kỳ năm trước và 40,17% kế hoạch cả năm. Trong đó, có 4.657 lượt người điều trị nội trú. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 83,62%.

Theo bác sĩ Phan Đình Đông-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã: Trong 5 năm gần đây, Trung tâm được đầu tư nhiều trang-thiết bị hiện đại. Trong đó, một số trang-thiết bị mang lại hiệu quả hoạt động cao như: máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy huyết học, máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy chụp CT, máy chạy thận nhân tạo. Trung tâm đang cử 2 bác sĩ đi đào tạo để vận hành máy tán sỏi và mổ mắt đục thủy tinh thể.

Nhờ được đầu tư đồng bộ các máy móc, kỹ thuật hiện đại, chất lượng khám-chữa bệnh tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa ngày càng được nâng cao. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ được đầu tư đồng bộ các máy móc, kỹ thuật hiện đại, chất lượng khám-chữa bệnh tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa ngày càng được nâng cao. Ảnh: Vũ Chi

Cùng với đó, năm 2022, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư mở rộng với khu nội, nhi, dược, khu phòng mổ, hồi sức được xây mới với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng, tăng số giường hồi sức từ 5 giường lên 10 giường. Trung tâm cũng đang có kế hoạch sửa chữa khu truyền nhiễm, khu dự phòng và đấu thầu mua thêm trang-thiết bị mới như: máy nội soi dạ dày đại tràng, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm điện giải, máy phân cấp nước tiểu… trị giá 4,6 tỷ đồng. “Nhìn chung, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư bài bản, hệ thống trang-thiết bị y tế hiện đại giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý chính xác ngay tại cơ sở, giảm áp lực cho tuyến trên. Đến năm 2025, Trung tâm Y tế thị xã phấn đấu đạt tiêu chuẩn bệnh viện vùng Đông Nam theo chủ trương của tỉnh đề ra”-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.