Trồng xen cây ngắn ngày trong vườn cao su tái canh tại Gia Lai: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, một số công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai khuyến khích cán bộ, công nhân và người dân xen canh cây công nghiệp trong diện tích cao su tái canh. Chủ trương này góp phần giúp cán bộ, công nhân, người dân, nhất là những hộ thiếu đất sản xuất có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Nâng cao thu nhập cho người lao động

Dù đang là mùa khô nhưng vườn cà phê 1 ha trồng xen cao su của anh Vũ Đình Hùng-công nhân Nông trường Tân Lập (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) vẫn xanh tốt. Trước đây, anh nhận chăm sóc 12 ha cao su kiến thiết cơ bản của nông trường. Công việc hàng ngày là quản lý vườn cây và làm cỏ, bón phân theo kế hoạch của đơn vị. Thời gian rảnh rỗi, anh cũng muốn tăng gia trồng trọt nhưng không có đất. Vài năm trước, khi Công ty có chủ trương cho cán bộ, công nhân, người lao động thuê đất để trồng cà phê trên diện tích cao su tái canh, anh Hùng đã thuê 1 ha, trồng 800 cây cà phê. Thời gian thuê đất kéo dài đến năm 2037; chi phí đào hố, trồng cây được hộ nhận khoán và Công ty chia đôi. Khi cây cà phê cho thu hoạch năm thứ 3 thì người thuê đất mới phải đóng sản lượng 0,47 kg cà phê nhân/cây cho Công ty.

Anh Hùng đang tưới nước cho vườn cà phê nhận khoán Ảnh: Phương Dung
Anh Hùng đang tưới nước cho vườn cà phê nhận khoán. Ảnh: Phương Dung

“Năm 2018, vườn cà phê của mình cho thu hoạch gần 16 tấn quả tươi. Do chưa phải nộp sản lượng nên sau khi trừ chi phí, mình còn lời hơn 50 triệu đồng. Năm 2019, cà phê mất mùa nên chỉ thu được 63 triệu đồng, sau khi nộp sản lượng và trừ chi phí sản xuất thì không còn lời bao nhiêu. Mình hy vọng năng suất cà phê năm nay sẽ đạt khoảng 20 tấn quả tươi”-anh Hùng nói.

Không trồng cà phê như anh Hùng, anh Nguyễn Duy Ngợi-cán bộ kỹ thuật Nông trường Hòa Bình (Công ty Cao su Mang Yang) thuê 10 ha đất cao su tái canh để trồng khoai lang Nhật và khoai lang Lệ Cần. Anh Ngợi cho hay, năm 2016, anh bắt đầu trồng khoai lang. Nhờ đất mới, khoai lang phát triển tốt, cho năng suất cao, lại được giá nên vụ đầu, anh lời khoảng 500 triệu đồng. Cứ đầu mùa mưa anh bắt đầu trồng khoai và 4-6 tháng sau thì thu hoạch.

Theo thống kê, hiện Công ty Cao su Mang Yang đang cho gần 400 hộ thuê hàng ngàn héc ta đất để trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ngắn ngày trên diện tích cao su tái canh. Trong đó, 290 hộ là cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty; số còn lại là hộ dân trên địa bàn Công ty đứng chân.

Tương tự, việc cho thuê đất cao su tái canh cũng được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê triển khai nhiều năm nay và nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, công nhân, người lao động. Ông Bùi Duy Đốc-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, Công ty đã cho cán bộ, công nhân, người lao động thực hiện xen canh trong khoảng 2.500 ha cao su tái canh. Nhờ vậy, người lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống”.

Giảm chi phí sản xuất

Việc trồng xen cây công nghiệp, cây ngắn ngày trong diện tích cao su tái canh được đánh giá là mang lại hiệu quả kép. Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang-cho hay, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, Công ty đều thực hiện tái canh gần 1.000 ha cao su. Cùng với việc tái canh, Công ty đề ra các phương án trồng xen các loại cây ngắn ngày, dài ngày. Đây cũng là chủ trương chung của Công đoàn Cao su Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập cho công nhân, người lao động trong giai đoạn giá mủ cao su liên tục giảm sâu; đồng thời giúp Công ty giảm chi phí chăm sóc vườn cây. “Trên diện tích cao su tái canh, chúng tôi thực hiện trồng xen các loại cây như: cà phê, keo lai, chanh dây, khoai lang... Tính riêng năm 2019, giá trị thu xen canh của Công ty đạt hơn 1 tỷ đồng”-ông Tiến thông tin.

 Anh Nguyễn Duy Ngợi (Công ty Cao su Mang Yang) bên vườn khoai trồng trên diện tích cao su tái canh. Ảnh: Đ.Y
Anh Nguyễn Duy Ngợi (Công ty Cao su Mang Yang) bên vườn khoai trồng trên diện tích cao su tái canh. Ảnh: Đ.Y



Tại Công ty Cao su Chư Sê, riêng năm 2018, cán bộ, người lao động nộp tiền thuê đất cho đơn vị gần 700 triệu đồng. “Nhờ trồng xen canh, Công ty cũng tiết giảm đáng kể chi phí chăm sóc vườn cây cao su. Đó là chi phí chi cho việc chống cháy, không phải trồng thảm phủ giai đoạn kiến thiết cơ bản, giảm một phần chi phí phục hoang...”-ông Đốc cho biết. Cũng theo ông Đốc, những diện tích trồng xen, khi tưới nước, bón phân cho các loại cây ngắn, dài ngày, cây cao su cũng được hưởng lợi. Qua tổng kết một số mô hình xen canh như: cà phê, keo lai tại một số hộ nhận khoán cho thấy, cây cao su trên diện tích này phát triển tốt hơn.

Về phía Công ty Cao su Mang Yang, ông Tiến cho biết thêm: Công ty tiếp tục thực hiện trồng xen cây lâu năm ở những nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nước nhưng vẫn đảm bảo mật độ cao su hơn 500 cây/ha. Đồng thời, Công ty sẽ quy hoạch vùng trọng điểm, trọng tâm xen canh các loại cây lâm nghiệp.

 ĐINH YẾN-ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.