Trồng sả cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau  khi chuyển đổi diện tích đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng sả, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã thu lợi trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Theo sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Ia Le, chúng tôi đến thăm vườn sả của gia đình chị Nguyễn Thị Yến.Vừa nhổ sả, chị Yến vừa chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ định trồng vài bụi sả để ăn. Tuy nhiên, thấy cây sả phát triển tốt, cho củ to, thích hợp với thời tiết của địa phương nên mùa mưa năm 2016, gia đình tôi quyết định chuyển đổi 8 sào đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng sả”.

 

Chị Yến giới thiệu về mô hình trồng sả của gia đình. Ảnh: L.T
Chị Yến giới thiệu về mô hình trồng sả của gia đình. Ảnh: L.T

Gia đình chị Yến là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Ia Le trồng sả với diện tích lớn. Theo chị Yến, sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh. Đối với thời tiết ở Tây Nguyên, thời điểm xuống giống sả tốt nhất là vào đầu mùa mưa, đến đầu mùa khô sẽ cho thu hoạch. Cây sả có thể thu hoạch từ đầu mùa khô năm nay đến đầu mùa mưa năm sau mới phải trồng lại. “Phải chọn giống sả tốt, tép to, không bị bệnh, đem ủ ra rễ mới trồng. Xuống giống sả vào mùa mưa nên không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón thêm phân cho cây mau lớn. Còn khi bước sang mùa khô, phải thường xuyên tưới nước, có như vậy sả mới cho củ to, năng suất cao”-chị Yến chia sẻ.

Cũng theo chị Yến, trồng sả mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn một số cây trồng khác như bí đỏ, bắp, mì vì vốn đầu tư  ít, không mất nhiều công chăm sóc. Vì vậy, từ 8 sào sả trồng năm 2016, hiện nay, gia đình chị đã nhân rộng lên 1,2 ha và dự định sẽ mở rộng lên 2 ha. “Vụ sả trước, tôi thu hoạch được gần 20 tấn/8 sào. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lời gần 100 triệu đồng. Mùa mưa 2017, tôi nhân rộng vườn sả của gia đình lên 1,2 ha. Sả thu hoạch có thương lái đến thu mua mang đi tiêu thụ ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch khoảng 1-1,5 tạ củ sả thương phẩm, bán với giá 6.000-7.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, gia đình tôi cũng lời được trên 150 triệu đồng từ 1,2 ha sả. Ngoài bán sả thương phẩm, gia đình tôi còn bán  cây giống cho nhiều hộ khác”-chị Yến cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, cho hay: “Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã Ia Le có khoảng 775 ha hồ tiêu bị chết. Việc chuyển diện tích đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng sả của gia đình chị Yến là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã Ia Le cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những giống cây trồng vừa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hồ tiêu bị chết. Đồng thời, Hội phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn cho bà con nông dân về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.