Trong giáo dục không được phép sai lầm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trao đổi về Chương trình giáo dục mầm non mới đang chuẩn bị thí điểm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong giáo dục không được phép sai lầm, đối với các lớp nhỏ càng thận trọng hơn nữa

Chiều 20-7, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên với sự tham dự của các giám đốc sở GD-ĐT.

Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29. Ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 với lớp 3, 7, 10; điều chỉnh Chương trình tổng thể và chương trình GDPT môn lịch sử. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình.

Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức bảo đảm nghiêm túc, an toàn. Phổ điểm năm nay tương đối ổn định so với 2 năm trước. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp.

Giáo dục mầm non sẽ được quan tâm hơn trong năm học mới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giáo dục mầm non sẽ được quan tâm hơn trong năm học mới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bộ GD-ĐT cũng nhận định về cơ bản, đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD-ĐT hiện nay. Để từng bước khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo và các hồ sơ liên quan để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại liên quan đến điều kiện về đội ngũ giáo viên, nhân viên; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; quy hoạch mạng lưới trường lớp; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.

Từ khóa chính là "thiếu"

Sau phiên toàn thể, các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, thường xuyên đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD-ĐT; lãnh đạo, chuyên viên 63 sở GD-ĐT trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học của giáo dục mầm non, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá nhiều chỉ số của giáo dục mầm non đã có khởi sắc, từ quy hoạch, đến chuyển đổi số, sắp xếp mạng lưới... Đáng chú ý là xã hội đã quan tâm tới giáo dục mầm non nhiều hơn; đã manh nha, khởi động được một số chính sách mới tốt hơn cho giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức, với từ khóa chính là "thiếu": thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ. "Thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực. Chúng ta đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non, khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người, nhưng lại là bậc học có tỉ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hóa nhất. "Không thể dùng xã hội hóa để thay cho nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần cả hai để tăng cường phát triển giáo dục mầm non, đó mới là sự quan tâm đúng. Thời gian tới, cần tăng cường chính sách, đầu tư nguồn lực. Kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non" - ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh…

Trao đổi về Chương trình giáo dục mầm non mới đang chuẩn bị bắt tay thí điểm, bộ trưởng cho rằng trong giáo dục không được phép sai lầm, đối với lớp nhỏ càng thận trọng hơn nữa vì các cháu không tự điều chỉnh được. Cần chuẩn bị về chính sách, điều kiện triển khai đủ về nguồn lực, đội ngũ, các phương diện và cần đủ sự quan tâm mà chúng ta cần thuyết phục, kiên trì thuyết phục.

Trao đổi với các địa phương về chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non, chế độ chính sách hỗ trợ trẻ là con công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ, những khó khăn và giải pháp trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non độc lập…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã phần nào yên tâm hơn về kiểm soát với hệ thống ngoài công lập, nhóm trẻ. Theo đó, những nơi có kinh nghiệm cần chia sẻ rộng rãi cho các địa phương trên tinh thần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm trẻ, để có môi trường an toàn cho các cháu, tránh xảy ra ngược đãi, bạo lực, mất an toàn cho trẻ.

"Chúng ta không mong gì hơn các cháu an toàn, các cô an tâm, cha mẹ được an lòng. Làm được 3 điều đó là giáo dục mầm non thành công"-Bộ trưởng nhấn mạnh.

10 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới

Chủ đề năm học 2023 - 2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT". 10 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của năm học mới bao gồm: 1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý. 2. Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên. 3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. 4. Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. 5. Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên. 6. Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. 7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục. 8. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. 9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. 10. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.