Trồng cây ăn quả: Hướng đi mới của nông dân Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Kbang đã mạnh dạn chuyển diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhiều hộ khác thì chủ động liên kết với doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả. Đây được xem là một hướng đi mới giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu.

Đua nhau trồng cây ăn quả

Nằm giữa cánh đồng mía bạt ngàn, khu vườn rộng hơn 3 ha của gia đình chị Trần Thị Cảm (xã Kông Lơng Khơng) được phủ kín bằng 4 loại cây ăn quả, gồm: ổi, xoài, bơ, dừa. Chỉ riêng 1.200 cây ổi, dù mới hái bói trong 2 tháng đầu tiên, chị Cảm đã thu về hơn 2 tấn quả, bán được 30 triệu đồng. Còn 250 cây bơ, 28 cây xoài và 200 cây dừa dự kiến mùa tới sẽ cho thu hoạch. “Một lần đến chơi nhà bạn, được mời ăn những quả ổi ngon ngọt, ít hạt do chính tay bạn trồng, tôi nảy sinh ý định trồng cây ăn quả để cải thiện kinh tế gia đình”-chị Cảm chia sẻ.

 

Chị Trần Thị Cảm (xã Kông Lơng Khơng) chăm sóc vườn ổi của gia đình. Ảnh: N.S
Chị Trần Thị Cảm (xã Kông Lơng Khơng) chăm sóc vườn ổi của gia đình. Ảnh: N.S

Sau đó, chị Cảm bắt đầu lên mạng tìm hiểu về các mô hình trồng cây ăn quả. Chị còn lặn lội tìm đến các mô hình ở tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc các loại cây trồng. Cẩn trọng hơn, chị vào tận những vựa cây ăn quả ở miền Nam để tìm hiểu và mua giống, đồng thời nhờ họ tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh trong quá trình cây sinh trưởng. “Hiện tôi cùng 13 hộ trồng cây ăn quả trong vùng đang tính liên kết lại thành lập hợp tác xã. Qua đó, các hộ có thêm điều kiện đưa các loại hoa quả sạch đến với người tiêu dùng”-chị Cảm cho biết. 

Tại một số xã khác trên địa bàn huyện Kbang, người dân còn trồng cam, chuối ghép mô, na Thái. Trong số này phải kể đến vườn chuối ghép mô của bà Lê Thị Dung (thị trấn Kbang) cho thu nhập mỗi năm 300-400 triệu đồng. “Ban đầu, gia đình tôi chỉ trồng thử nghiệm 5 sào, sau 7 năm, diện tích đã tăng lên gấp 3 lần với hơn 2.000 cây, trung bình mỗi tháng thu được hơn 30 triệu đồng”-bà Dung cho biết. Theo bà Dung, chuối trồng bằng giống cấy mô sinh trưởng tốt và ít bệnh, có tuổi thọ cao hơn so với những giống chuối hiện tại. Mỗi năm, gia đình bà chỉ tốn công rải phân một lần quanh gốc rồi phủ đất lên mà không cần chăm bón, tưới tắm.

Ngoài gia đình chị Cảm, bà Dung, hiện nay, ở huyện Kbang còn có rất nhiều nông dân đầu tư trồng cây ăn quả. Có thể kể ra đây các hộ như ông Cao Tấn Đảng (xã Kông Pla) trồng hơn 300 gốc na Thái cùng với ổi và táo ngọt; ông Mai Thanh Xuân (thị trấn Kbang) trồng hơn 400 gốc nhãn; ông Trần Kim Hoàng (xã Kông Lơng Khơng) trồng 1.200 gốc cam Đường Canh sắp cho thu hoạch… Đáng chú ý là các hộ này đều lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ để cho ra những sản phẩm sạch.

Hướng đi nhiều triển vọng

Hiện nay, Kbang là huyện có diện tích trồng cây ăn quả đứng đầu ở tỉnh ta với gần 500 ha, phần lớn được trồng phân tán ở rẫy và trong vườn nhà. Cây ăn quả ở Kbang đa dạng về chủng loại, từ cam, quýt cho tới chuối, bơ, chôm chôm, xoài, sầu riêng, vải, nhãn lồng… Mô hình này đã và đang giúp nhiều gia đình trên địa bàn thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, cho rằng: “Trồng cây ăn quả đang trở thành một trong những hướng sản xuất nông nghiệp mới của nông dân huyện Kbang. Huyện đang dần hình thành được vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả tập trung ở 7 xã, thị trấn và hiện đã có 355 hộ dân đăng ký liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao. Bước đầu, địa phương cũng thu hút được doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân để hình thành chuỗi giá trị ngành hàng và đầu tư phát triển các loại cây trồng như: dứa, bắp ngọt, chanh dây”.

 

Vườn quýt của ông Trần Kim Hoàng-xã Kông Lơng Khơng. Ảnh: N.S
Vườn quýt của ông Trần Kim Hoàng-xã Kông Lơng Khơng. Ảnh: N.S

Cũng theo ông Tình, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã triển khai đầu tư dự án tổ hợp Nhà máy Chế biến Rau quả DOVECO-Gia Lai với tổng vốn là 297 tỷ đồng, tổng công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm. Để chuẩn bị nguyên liệu phục vụ cho các dây chuyền, Công ty đã có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây trồng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Kbang. Tháng 4-2018, Công ty đã phối hợp với huyện Kbang tổ chức hội thảo triển khai liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ một số loại nông sản tại 2 cụm với hơn 400 hộ nông dân của 7 xã, thị trấn tham dự.

“Ngoài những vùng nguyên liệu được quy hoạch cho nhà máy, thời gian đến, huyện tích cực tuyên truyền và khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng phù hợp thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học... Đó cũng là mấu chốt để trái cây Kbang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá thương hiệu trái cây Kbang, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận, nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm thương mại... để chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”-ông Tình cho biết thêm.

Nguyễn Sang

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.