Không còn hình ảnh nhiều làng biển bãi ngang im lìm, vắng lặng với những chiếc thuyền nan, thuyền thúng nằm sấp ngửa trên bãi cát nhấp nhô, ảo mờ dưới cơn mưa chiều liêu xiêu… trong những ngày ô nhiễm môi trường biển.
Thay vào đó là không khí hối hả, khẩn trương của bà con ngư dân tranh thủ những ngày “trời yên, biển lặng” để đạp sóng vươn khơi, nhanh tay ướp cá, lọc mắm cho kịp phiên chợ sớm mai.
Cá biển vào Cảng cá Cửa Việt. |
Đất của trăm nghề
Ngay sau khi nhận tiền bồi thường do ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhiều người dân vùng bãi ngang đã đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, đóng mới thuyền nan, thuyền thúng để tiếp tục ra biển đánh bắt thủy hải sản vùng lộng. Nhiều làng biển đang thực sự hồi sinh với “trăm nghề biển”.
Dẫu khá bận rộn cùng cánh thợ dựng lô, cạp be cả chục chiếc thuyền nan cho bà con ngư dân vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng) đặt đóng mới, ông Mai Văn Bảo (53 tuổi), chủ cơ sở đóng thuyền nan thôn Đông Tân An (xã Hải An, huyện Hải Lăng) dành chút thời gian để tiếp chúng tôi. Ông Bảo nói, trong sự cố ô nhiễm môi trường biển thì người dân vùng biển bãi ngang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sở dĩ nói vậy là bởi các tàu đánh bắt xa bờ có thể đánh bắt ở vùng biển xa nên thủy hải sản còn bán được. Riêng ngư dân vùng bãi ngang đánh bắt cá, tôm, mực... cách bờ dăm ba hải lý hầu như không bán được. Khi thủy hải sản không bán được thì ngư dân ra biển chẳng để làm gì cả. Cuối năm 2016, về vùng biển bãi ngang mới thấy sự hiu hắt, ảm đạm nhưng nhức nỗi buồn của nhiều làng biển.
Chả nói đâu xa, như gia đình ông Bảo đây, làm nghề đóng thuyền nan từ 6 đến 24 mã lực cũng bị ảnh hưởng. Trước lúc sự cố môi trường biển xảy ra, mỗi năm gia đình ông đóng trên 30 chiếc thuyền nan. Riêng năm 2016, cơ sở của gia đình ông chỉ đóng được 8 chiếc. Các tháng đầu năm 2017, khi biển đang dần hồi sinh và nhiều ngư dân nhận được tiền đền bù họ dùng số tiền ấy để đóng thuyền nan tiếp tục ra biển. Hiện cơ sở đóng thuyền nan của gia đình ông đang nhận đóng 20 chiếc thuyền nan gắn máy 10 đến 24 mã lực với giá bình quân 20 tới 30 triệu đồng mỗi chiếc. “Cứ tưởng “mất nghề” đến nơi, giờ nhận đóng số lượng thuyền nan tăng “đột biến” như vậy, tôi vui mừng cho nghề đóng thuyền nan của gia đình và đó cũng là niềm vui chung của bà con ngư dân”, ông Bảo phấn khởi.
Những mẻ cá đánh bắt về từ biển. |
Theo ông Bảo, do đặc thù các làng biển của xã Hải An như Đông Tân An, Tây Tân An, Thuận Đầu, Mỹ Thủy cũng như nhiều làng biển dọc vùng biển bãi ngang là không có cửa lạch nên bà con ngư dân không thể vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn. Phương tiện để ngư dân ra biển là thuyền nan.
Xã Hải An hiện có 3 cơ sở đóng thuyền nan như gia đình ông. Đóng một chiếc thuyền nan nếu có đầy đủ nguyên liệu chỉ mất khoảng mươi ngày tới nửa tháng. Nguyên liệu chính để đóng thuyền nan thường là gỗ mít, mù u, chò, kiền kiền... có thể chịu được mưa nắng, sự ăn mòn của nước biển. Các công đoạn để dựng chiếc thuyền nan cũng đơn giản gồm dựng lô thuyền, cạp be, ép nan, “ấp khẩu”, “công giang đà”… là xong.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn cho hay, Hải An hiện có 200 thuyền nan có động cơ với tổng công suất 2.402 CV; 135 thuyền không có động cơ với 445 lao động thường xuyên tham gia khai thác thủy hải sản ven bờ. Sau sự cố Formosa đã làm giảm sản lượng khai thác thủy hải sản của xã Hải An.
Trong thời gian qua, để giảm bớt khó khăn cho bà con ngư dân trên địa bàn, ngoài việc làm tốt công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại, xã Hải An luôn chú trọng việc chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân. Đến nay, xã Hải An có 271 hộ ngư dân tham gia chuyển đổi với 37 mô hình trại nuôi lợn từ 20 con trở lên; 15 mô hình trồng cỏ nuôi bò lai từ 2 con trở lên; 4 mô hình nuôi cá nước ngọt; 215 mô hình trồng ném (hành tăm) trên cát… Nhiều mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho bà con ngư dân. “Điều đáng mừng là từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều ngư dân của các thôn Đông Tân An, Tây Tân An, Thuận Đầu, Mỹ Thủy tiếp tục bám biển để đánh bắt hải sản. Trong một thời gian ngắn sau sự cố môi trường biển, cụ thể lấy thí dụ như chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản của Hải An đạt 105,8 tấn (tăng 28,1 tấn so với cùng kỳ năm 2016)”, ông Tuấn nói.
Anh Phan Thanh Minh đang đóng thuyền tại cơ sở của mình. |
Biến nguy thành an
Trưởng thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) Trần Luân bảo: “Không có tàu to, thuyền lớn để vươn khơi xa, nhưng bà con ngư dân thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) trong những năm gần đây tìm cách biến khó khăn, hạn chế của vùng biển bãi ngang thành lợi thế trong đánh bắt thủy hải sản. Bằng chứng là ngư dân thôn 6 đã du nhập nhiều loại hình ngành nghề đánh bắt thủy hải sản gần bờ mang lại sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế cao như lưới tôm, lưới mực, lưới ba, lưới hai, lưới cá trích, lưới cá chim, lưới lội, mức kéo ruốc, dã tôm, lừ mực lá, câu cá nghéo... Cứ tùy theo từng mùa trong năm mà chọn nghề phù hợp để đánh bắt thủy hải sản.
Thế rồi, sự cố môi trường biển xảy ra, nhiều ngư dân thôn 6 kéo thuyền, cất lưới và cứ tưởng sẽ triệt tiêu nghề biển. Đầu năm 2017, ngư dân thôn 6 bắt đầu những chuyến ra khơi đánh bắt những mẻ cá khoai, mực nang, ghẹ… mang lại tiền triệu. Cách đây chưa lâu, nhiều hộ ngư dân thôn 6 trúng cá khoai với thu nhập vài triệu đồng/ngày là chuyện thường. Điển hình như hộ ngư dân Trần Duyến, Trần Phương… Và đó cũng là dấu hiệu cho thấy thôn 6 cũng như nhiều làng biển bãi ngang khác đang hồi sinh từng ngày.
Và như để minh chứng cho việc làng biển hồi sinh, Trưởng thôn Luân nhiệt tình dẫn chúng tôi xuống bãi biển để “mục sở thị” những ngư dân thôn 6 trở về từ biển với lòng thuyền đầy ắp cá, mực nang, ghẹ... Chỉ mới quá trưa mà bãi biển thôn 6 đã sôi động, lao xao bởi tiếng nói cười của ngư dân cũng như những thương lái tìm đến thu mua thủy hải sản. Trưởng thôn Luân cho biết thêm, xã Triệu Lăng có 265 thuyền máy với tổng công suất 3.445 CV. Sản lượng khai thác thủy hải sản của xã Triệu Lăng riêng trong quý 4/2017 đạt 55,5 tấn “đột biến” so với mùa “biển chết”.
Đào tạo nghề cho lao động vùng biển Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho hay, huyện vừa khai giảng mở 3 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng biển tại xã Vĩnh Giang. Ba lớp này gồm lớp nghề kỹ thuật trồng hoa, lớp nghề kỹ thuật nuôi gà thả vườn, lớp chế biến món ăn với 113 học viên tham gia. Các lớp học nằm trong chương trình đào tạo nghề cho lao động vùng biển được huyện Vĩnh Linh triển khai. |
Thoăn thoắt gỡ từng con ghẹ ra khỏi vàng lưới để cho vào thùng, lão ngư Trần Quang Mua (60 tuổi) hồ hởi: “Làm nghề biển cả đời như tôi nhưng vừa rồi phải “nghỉ biển” buồn lắm. Giờ lại được ra biển và cứ mỗi lần cầm nắm từng con cá, mực nang, ghẹ… tươi rói trên tay vui đến trào nước mắt. Vừa rồi, gia đình tôi nhận được số tiền đền bù thiệt hại khoảng 64 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi quyết định đầu tư toàn bộ để mua sắm ngư lưới cụ như lưới ghẹ, lưới rê nổi, lưới hai đánh bắt cá trích, khoai… Để bám trụ dài lâu với biển thì phải làm cả “trăm nghề biển” mới sống được. Hiện tại, như thuyền của gia đình tôi cứ “trời yên, biển lặng” ra biển là có thu nhập 300 - 400 nghìn đồng/ngày”.
Đi dọc vùng biển bãi ngang trong những ngày này mới thấy được sự hồi sinh thực sự của nhiều làng biển. Sự hồi sinh ấy chúng tôi bắt gặp trong nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của ngư dân trở về từ biển. Trong mớ cá, mực, tôm, ghẹ… đánh bắt được dù giá bán còn khiêm tốn nhưng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể để bà con ngư tiếp tục yên tâm bám biển. Và hơn hết là để làng biển “sống lại” sau những ngày giông tố Formosa.
Hữu Thành-Sĩ Việt/tienphong