Triệt phá đường dây làm bằng giả, thu giữ hơn 5 tấn phôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá đường dây chuyên sản xuất, mua bán văn bằng giả, chứng chỉ giả thu trên 5 tấn phôi, gần 4.000 con dấu.

 Tang vật liên quan đến đường dây làm bằng giả bị thu giữ. Ảnh: CACC.
Tang vật liên quan đến đường dây làm bằng giả bị thu giữ. Ảnh: CACC.


Ngày 6.2, Công an tỉnh Hưng Yên đã thông tin về việc đơn vị mới triệt phá đường dây làm bằng giả lớn.

Liên quan đến vụ án, lực lượng chức năng bắt giữ hai đối tượng là Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Hoàng Văn Đức (28 tuổi, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).

Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hùng và Đức về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng để xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.

Khám xét ngôi nhà số 856/4 Quang Trung, phường 8, Quận Gò Vấp, TPHCM - nơi các đối tượng thuê để sản xuất các loại văn bằng giả, chứng chỉ, lực lượng Công an thu giữ gần 4.000 con dấu, hơn 5 tấn phôi các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ như Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Bằng thạc sĩ, Bằng tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp trung học phổ thông, Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học... cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ.

 

Máy móc, thiết bị liên quan đến đường dây làm bằng giả. Ảnh: CACC
Máy móc, thiết bị liên quan đến đường dây làm bằng giả. Ảnh: CACC


Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, thông qua Internet và mạng xã hội, các đối tượng lập các tài khoản zalo, facebook và các trang web như lambangdaihoc..., lambangphoithat..., lambangdaihocgiare... để rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ với những lời quảng cáo hấp dẫn như cam kết phôi thật, giá rẻ...

Khi khách có nhu cầu đặt mua, các đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân của khách hàng để in vào các loại văn bằng rồi giả mạo chữ ký hiệu trưởng các trường, sử dụng các loại dấu giả để in. Mỗi loại chứng chỉ, các đối tượng bán từ 1,5-2,5 triệu đồng; các loại bằng có giá từ 2,5-3 triệu đồng.

Các đối tượng thường gửi văn bằng, chứng chỉ qua bưu điện và các công ty chuyển phát nhanh cho các khách hàng ở xa hoặc thuê xe ôm để chuyển cho khách hàng ở gần. Đối tượng Hoàng Văn Đức khai nhận, ban đầu nhận vận chuyển thuê văn bằng, chứng chỉ giả. Sau đó thấy lợi nhuận cao, nhu cầu của khách hàng lớn nên anh ta đã tham gia bán văn bằng chứng chỉ, lên mạng tìm kiếm khách hàng rồi rao bán các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ.

Thượng tá Hoàng Văn Khanh - Phó Trưởng phòng An ninh điều tra - cho biết, quá trình điều tra, thu thập các chứng cứ, gặp nhiều khó khăn như các đối tượng ở trong miền Nam (thành phố Hồ Chí Minh); chủ yếu thực hiện việc mua bán, giao dịch qua mạng Internet; ngôi nhà các đối tượng thuê để sản xuất văn bằng, chứng chỉ nằm trong ngõ, thường xuyên đóng cửa...

Vụ án được triệt phá từ nguồn tin của nhân dân về việc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một đường dây chuyên sản xuất và bán các loại giấy tờ giả cho các đối tượng “cò” và khách hàng có nhu cầu.

Công an tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP.Hồ Chí Minh để triệt phá.

 

https://laodong.vn/phap-luat/triet-pha-duong-day-lam-bang-gia-thu-giu-hon-5-tan-phoi-878252.ldo

Theo Mai Hường (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.