Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sáng 17-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Hội nghị tập trung đánh giá khái quát tình hình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; triển khai các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; thảo luận, tham gia ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và các giải pháp triển khai có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Trong năm 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội đã được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới, toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường; hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới từ giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện; hoạt động giám sát lại được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét các báo cáo được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả.

Về thực hiện chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; tổ chức 2 phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, kỳ họp thứ 8.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Dung

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Dung

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động giám sát. Đồng thời trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024; góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và cử tri cả nước.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại một số nội dung chính về kết quả trong năm 2023 và nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024. Theo đó, tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội.

“Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Do đó mà hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm