Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 12-7, tại TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức; kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trong năm 2023, có 35 mục tiêu quan trọng được đặt ra thuộc các lĩnh vực: Dữ liệu số, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và An toàn thông tin mạng. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 2 mục tiêu đã hoàn thành, 15 mục tiêu đã thực hiện được trên 50% và 18 mục tiêu thực hiện dưới 50%.

Việc hoàn thiện thể chế số đã tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian qua cũng như các “điểm nghẽn”, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. 100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập, thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên cổng thông tin điện tử; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, kết nối đến 100% huyện, xã trên toàn quốc; viễn thông di động đã phủ sóng đến 2.416/3.924 thôn lõm viễn thông. Các cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022)… 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập hơn 74.422 tổ công nghệ số cộng đồng với 348.362 thành viên; đồng thời triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Ước tính sơ bộ, tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Tổng số lượt tải ứng dụng di động từ Việt Nam đạt 1,41 tỷ lượt (chiếm 2,2% lượt tải ứng dụng toàn cầu). Khoảng 60 nền tảng/ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hàng tháng.

Với sự quyết tâm của Bộ Công an trong thực hiện Đề án 06, tính đến tháng 6-2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư; tiếp nhận trên 1 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc về dân cư đã giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế việc di chuyển, thời gian chờ đợi và kiểm tra xác minh; tinh gọn cán bộ, công chức bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… đã tham luận, chia sẻ về kết quả đạt được, những mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng như đề xuất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của đất nước.

Thủ tướng đề nghị thời gian đến, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần nhanh chóng vượt qua những rào cản, điểm nghẽn, lối tư duy bảo thủ để đẩy mạnh và tạo đột phá hơn nữa trong chuyển đổi số. Tập trung mọi nguồn lực và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên cho 4 nội dung: phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phát triển nền tảng số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. Ngoài ra, tiếp tục cải cách, xây dựng thể chế và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu… sao cho trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.