Chính quyền số: Dẫn dắt kinh tế-xã hội phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhận thức rõ tầm quan trọng của chính quyền điện tử trước đây và chính quyền số hiện nay, Gia Lai đã tăng cường các giải pháp, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nỗ lực từ các ngành, địa phương

Ngày 14-6, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ký Quyết định số 318/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, TP. Pleiku tiếp tục đạt mức độ I và dẫn đầu bảng xếp hạng UBND các huyện, thị xã, thành phố với 154,603 điểm. Để duy trì thứ hạng này, thành phố đã dành sự quan tâm nhất định đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đoàn viên, thanh niên phường Thống Nhất (TP. Pleiku) hướng dẫn người dân quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: M.T

Đoàn viên, thanh niên phường Thống Nhất (TP. Pleiku) hướng dẫn người dân quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: M.T

Ông Trần Quang Vinh-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho hay: Hiện nay, hạ tầng CNTT trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đang được khai thác có hiệu quả, đảm bảo phục vụ tốt cho việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ trung ương, tỉnh, thành phố đến các xã, phường. Cổng thông tin điện tử thành phố và trang thông tin điện tử thành phần của 22 xã, phường đang hoạt động có hiệu quả.

Tất cả văn bản đi và đến của UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị, xã, phường (trừ văn bản mật) đều được số hóa và gửi trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku cũng phục vụ tốt việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, góp phần vào công tác cải cách hành chính, xây dựng mô hình chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trên địa bàn.

Để vận động người dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, TP. Pleiku đã chỉ đạo triển khai mô hình “Tổ dân phố điện tử”. Hiện mô hình này đã được thành lập thí điểm tại 5 phường: Hội Thương, Yên Thế, Đống Đa, Diên Hồng, Thống Nhất. Ông Phạm Toàn Vinh-Chủ tịch UBND phường Thống Nhất-cho biết: “Để đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, UBND phường đã ra mắt mô hình “Tổ dân phố điện tử” tại tổ dân phố 5. Cùng với đó, tiến hành rà soát, chọn loại TTHC mà người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, không quá phức tạp để triển khai thực hiện bước đầu, trước mắt ưu tiên các TTHC trong lĩnh vực chứng thực và hộ tịch”.

Bà Vũ Thị Viền (tổ 2, phường Thống Nhất) chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi cần thực hiện các TTHC, tôi thường đến trụ sở UBND phường để làm, đôi lúc mất nhiều thời gian chờ đợi. Sau khi được các thành viên “Tổ dân phố điện tử” hướng dẫn đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cách kê khai TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tôi thấy khá thuận tiện”.

Không gian làm việc tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Không gian làm việc tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của đơn vị cũng như chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo ông Mlô Đoan-Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, việc sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ, vận hành trang thông tin điện tử, đăng tải các dịch vụ công trực tuyến, TTHC, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC… đạt nhiều kết quả khả quan. Đáng chú ý, trong năm 2022, tổng số hồ sơ TTHC được tiếp nhận trên hệ thống “Một cửa điện tử” là 4.740, trong đó có 4.360 hồ sơ nộp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (chiếm 92%); không có hồ sơ giải quyết trễ hạn.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành việc tích hợp cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên Cổng dịch vụ công của tỉnh để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin doanh nghiệp, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC và nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu bản đồ dự án đầu tư tích hợp cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm phục vụ việc quản lý, cung cấp thông tin về dữ liệu đầu tư, nhà đầu tư, chính sách thu hút đầu tư”-ông Đoan thông tin.

Hướng đến chính quyền số

Đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, ông Đặng Quang Khanh-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: Hiện nay, hạ tầng CNTT tại các đơn vị được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống hội nghị truyền hình do tỉnh quản lý đã thiết lập kết nối thông suốt với 258 điểm cầu. Hạ tầng và dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển cả về số lượng và chất lượng với 100% xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm. Toàn tỉnh đã thành lập được 1.604 tổ công nghệ số cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân trong tiếp cận công nghệ số, tham gia quá trình chuyển đổi số của địa phương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp chính quyền quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Ảnh: Mộc Trà

Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp chính quyền quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Ảnh: Mộc Trà

Đến nay, 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và huyện đã có cổng/trang thông tin điện tử; 872 cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ văn bản đi được số hóa, gửi liên thông trên phần mềm (có ký số) đạt 100% (trừ văn bản mật). Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng đạt 100%, cấp huyện đạt trên 90%, cấp xã đạt 70%. Tất cả đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện và xã đã triển khai sử dụng phần mềm “Một cửa điện tử” liên thông để tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, mức độ chính quyền điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã có sự tiến bộ qua từng năm. Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị, địa phương, các tiêu chí chưa đạt ở năm trước vẫn tiếp tục tồn tại.

Huyện Đức Cơ có vị trí xếp hạng thấp về mức độ chính quyền điện tử trong năm 2022. Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định lý giải: Hiện nay, hạ tầng CNTT của huyện vẫn chưa đồng bộ; nhiều thiết bị, hệ thống CNTT đã được đầu tư từ lâu, cấu hình thấp và có nguy cơ mất an toàn thông tin. Nguồn nhân lực CNTT của huyện còn thiếu; vốn đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, công nghệ số còn khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên việc xử lý, số hóa, ký số văn bản điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành huyện và cấp xã còn hạn chế, chưa sử dụng nhiều ứng dụng phần mềm nội bộ vào hoạt động chuyên môn. Thêm vào đó, trình độ CNTT của người dân cũng hạn chế nên việc thao tác trên Cổng dịch vụ công trực tuyến bằng các thiết bị điện tử rất khó…

Đô thị Pleiku ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên

Đô thị Pleiku ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên

Theo kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022, cấp sở có 16/20 đơn vị đạt mức I, 2 đơn vị đạt mức II, 2 đơn vị đạt mức III, không có đơn vị đạt mức IV. 17/17 UBND cấp huyện đều được xếp hạng; trong đó có 6 địa phương đạt mức II, 8 địa phương đạt mức III và 3 địa phương đạt mức IV. Một số đơn vị cấp xã cũng đã được xếp hạng mức độ chính quyền điện tử (3/220 đơn vị mức III, 12 đơn vị mức IV), có sự cải thiện so với năm 2021 (100% không được xếp hạng).

Trước thực trạng đó, lãnh đạo UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo, đề ra giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, huyện sẽ gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện và cấp xã chủ động triển khai thực hiện các chỉ số/chỉ số thành phần trong bộ chỉ số đánh giá. “Huyện cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu cung cấp sản phẩm, dịch vụ số đến các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn; thu hút nguồn lực CNTT, tăng cường huy động vốn từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực này”-Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

Năm 2022 là năm thứ 5 và là năm cuối cùng thực hiện đánh giá mức độ chính quyền điện tử theo bộ tiêu chí do Trung ương hướng dẫn. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) thay thế bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ chính quyền điện tử và bắt đầu áp dụng từ năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh xác định xây dựng chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, giải pháp trước tiên là xây dựng kế hoạch, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai ưu tiên chuyển đổi số trong quản lý khám-chữa bệnh. Ảnh: Đức Thụy

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai ưu tiên chuyển đổi số trong quản lý khám-chữa bệnh. Ảnh: Đức Thụy

Tiếp đó là triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến; hợp nhất Cổng dịch vụ công với hệ thống “Một cửa điện tử” để hình thành hệ thống thông tin nhà nước về TTHC; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho công tác giải quyết TTHC; giao chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị, địa phương. Xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu, hình thành nên kho dữ liệu dùng chung gắn với nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số. Tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình “4 lớp”; kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Các "Tổ dân phố điện tử" trên địa bàn TP. Pleiku đã chọn những TTHC được nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng và không quá phức tạp để triển khai bước đầu. Ảnh: Mộc Trà

Các "Tổ dân phố điện tử" trên địa bàn TP. Pleiku đã chọn những TTHC được nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng và không quá phức tạp để triển khai bước đầu. Ảnh: Mộc Trà

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, tiến tới phổ cập kiến thức chuyển đổi số cho người dân thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch. Triển khai các hệ thống thông tin, phần mềm theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai phiên bản 2.0 đã được phê duyệt; đặc biệt, chuyển dịch hướng sử dụng các hệ thống thông tin trên cơ sở mô hình nền tảng, mô hình công nghệ điện toán đám mây…

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay đạt 851 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

(GLO)- Bên cạnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Ialy còn đề xuất hàng chục giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy” đã góp phần đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.