Tuổi trẻ Gia Lai tiên phong chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình ý nghĩa như: thư viện số, khu chợ không dùng tiền mặt, số hóa địa danh nhà bia tưởng niệm… Các mô hình bước đầu đem lại thuận lợi cho người dùng vì sự tiện ích, hiện đại.

Triển khai từ tháng 3-2023 đến nay, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” của Đoàn thị trấn Chư Prông đã mang lại những tiện ích cho tiểu thương và khách hàng khi mua bán, trao đổi hàng hóa. Để thực hiện mô hình này, đoàn viên, thanh niên đã trực tiếp đến chợ thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương đăng ký tài khoản ngân hàng để sở hữu mã QR cho tài khoản. Tiếp đó, mã QR của mỗi tiểu thương được in, dán ngay vị trí bán hàng để người mua dễ dàng thanh toán.

Sau 3 tháng triển khai mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt”, khoảng 50 tiểu thương tại chợ thị trấn Chư Prông mở tài khoản, dán mã QR tại ki ốt. Một số tiểu thương còn lắp đặt mạng internet để người dân thuận lợi khi giao dịch thanh toán điện tử.

Đoàn viên, thanh niên xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) quét mã QR đọc sách trên thư viện số. Ảnh: M.N

Đoàn viên, thanh niên xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) quét mã QR đọc sách trên thư viện số. Ảnh: M.N

Chị Trần Thị Cẩm Tú-tiểu thương tại chợ thị trấn Chư Prông-chia sẻ: “Mô hình này rất tiện ích, tạo thuận lợi cho người kinh doanh và mua hàng. Chỉ cần chọn sản phẩm, khách hàng dùng điện thoại thông minh quét mã thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây. Tôi ủng hộ hình thức thanh toán này. Nếu có xảy ra nhầm lẫn khi trả tiền thì cũng dễ dàng kiểm tra và xử lý”.

Còn chị Cao Thị Nghĩa Hiệp-Bí thư Đoàn thị trấn Chư Prông thì thông tin: “Hiện nay, đa số người dân đều sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản ngân hàng. Việc triển khai mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” giúp mọi người trải nghiệm, tiếp cận dần với các phương thức thanh toán hiện đại. Đoàn thị trấn sẽ phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để các tiểu thương và người dân tiếp cận và sử dụng phương thức thanh toán này”.

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, Đoàn xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đã xây dựng mô hình “Thư viện số-Tra cứu sách trực tuyến”. Để triển khai mô hình, anh Nguyễn Thế Sơn Kiên-Bí thư Đoàn xã đã thiết kế website và tích hợp mã QR. Thư viện số tích hợp 500 đầu sách về: Chủ tịch Hồ Chí Minh; danh mục Đoàn Thanh niên (gồm hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn, Luật Thanh niên, Luật Trẻ em…); lịch sử Việt Nam bằng tranh; y học-sức khỏe; ẩm thực… Các đầu sách trên thư viện số rất đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu của nhiều lứa tuổi.

Đoàn xã dán mã QR thư viện số tại các nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân tiếp cận và dễ dàng sử dụng thư viện số. Sau khi quét mã QR, mọi người lựa chọn nội dung mình quan tâm để đọc. Triển khai từ tháng 5-2023 đến nay, thư viện số đã có hàng trăm lượt truy cập đọc sách.

Anh Trương Đình Đông (làng Tu) bày tỏ: “Việc truy cập mã QR để đọc sách rất đơn giản, nhanh chóng. Đoàn xã chọn lọc những cuốn sách hay của những nhà xuất bản uy tín nên tôi yên tâm khi tiếp nhận thông tin. Thời gian tới, Đoàn xã cần bổ sung thêm các danh mục, phong phú nguồn sách để phục vụ tốt hơn nhu cầu của độc giả”.

Theo anh Nguyễn Thế Sơn Kiên, ngoài dán mã QR thư viện số tại nhà sinh hoạt cộng đồng, sắp tới, Đoàn xã triển khai dán mã QR tại các quán cà phê, tạp hóa để người dân thuận tiện đọc sách nhằm lan tỏa rộng rãi văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong quá trình triển khai, Đoàn xã lắng nghe ý kiến của người sử dụng về những lỗi, sự bất hợp lý để tiếp tục hoàn thiện thư viện số.

Huyện Đoàn Chư Păh ra mắt công trình thanh niên Số hóa địa danh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng. Ảnh: Minh Nhật

Huyện Đoàn Chư Păh ra mắt công trình thanh niên Số hóa địa danh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng. Ảnh: Minh Nhật

Mới đây, Huyện Đoàn Chư Păh ra mắt công trình thanh niên “Số hóa địa danh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng”. Trong quá trình thực hiện công trình, tổ biên tập đã sử dụng tư liệu do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cung cấp và được Ban Tuyên giáo Huyện ủy thẩm định. Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng là công trình ghi công, tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng trong trận tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ. Đây là địa chỉ đỏ để đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn huyện thực hiện các hoạt động về nguồn, tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Mã QR được Huyện Đoàn Chư Păh đặt tại khuôn viên Nhà bia tưởng niệm giúp người dân và du khách thuận tiện tra cứu, tìm hiểu. Trong mã QR có tích hợp video clip, khảo tả di tích, danh sách cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 20A hy sinh khi tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ… Chỉ cần quét mã QR, mọi thông tin về di tích sẽ được cung cấp đầy đủ và bảo đảm tính chính xác về giá trị lịch sử. Việc tích hợp QR Code về địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch giúp người dân tìm hiểu và tham khảo được nhiều thông tin so với phương thức truyền tải truyền thống.

Chị Nguyễn Hoài Phương-Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh-thông tin: Từ hiệu quả của việc số hóa định danh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng, Huyện Đoàn tiếp tục nghiên cứu, tích hợp mã QR các điểm du lịch để mọi người nắm rõ hơn về các địa danh lịch sử, văn hóa-du lịch của huyện, góp phần kích cầu du lịch, tuyên truyền truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

“Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” là chủ đề công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023. Các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả như: Zalo OA Thanh niên huyện Chư Pưh; mô hình Tổ dân phố điện tử ở TP. Pleiku; mô hình “Số hóa các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Đak Pơ”; tổ ứng dụng công nghệ “Số hóa địa danh” huyện Chư Păh…

Trao đổi với P.V, anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: Tuổi trẻ phải là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn chủ động triển khai những mô hình, hoạt động chuyển đổi số hiệu quả, phù hợp với chuyên môn, tình hình thực tiễn từng địa phương.

Những mô hình chuyển đổi số được các tổ chức Đoàn triển khai trong thời gian qua đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, thể hiện vai trò nòng cốt của thanh niên trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tuổi trẻ toàn tỉnh nỗ lực thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2023: 100% các cấp bộ Đoàn tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; 6% đoàn viên, thanh niên sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 220 Đoàn xã, phường, thị trấn làm việc trên nền tảng số.

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.