Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 2: Đánh thức khu rừng bí ẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho đến đầu thế kỷ 20, Bạch Mã vẫn là một vùng rừng núi hoang dã và bí ẩn. Ngay cả khi khu nghỉ dưỡng Bà Nà được xây dựng trên đỉnh núi Chúa năm 1919 thì Bạch Mã cách đó không bao xa vẫn là vùng rừng núi bí ẩn.

Bản đồ trạm nghỉ dưỡng Bạch Mã
Bản đồ trạm nghỉ dưỡng Bạch Mã
Ai là người khai sơn Bạch Mã?
Cuối năm 1925, cái tên Bạch Mã bắt đầu được chú ý khi người Pháp phát hiện ra loài gà lôi lam mào trắng và tòa khâm sứ Trung kỳ (cơ quan đại diện của chính phủ Pháp tại kinh đô Huế) đã đệ trình Bộ Thuộc địa Pháp kế hoạch thành lập khu bảo tồn thiên nhiên bảo tồn loài vật quý hiếm này. 
Nhưng phải 7 năm sau đó, vùng rừng núi với độ cao 1.450m mát lành mới lọt vào mắt xanh ông kỹ sư trưởng Sở Công chánh Trung kỳ, Michael Girard, với nhiệm vụ tìm kiếm nơi để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp đang làm việc ở kinh đô Huế.
Trên đoạn đường dẫn lên đỉnh núi Bạch Mã hôm nay vẫn còn tấm bia ghi bằng tiếng Pháp có nội dung: "Bạch Mã - trạm nghỉ mát trên cao được phát hiện vào ngày 28 tháng 7 năm 1932 bởi kỹ sư trưởng M. Girard của T.P.". Hai chữ T.P. là viết tắt của Travaux Publics tức Sở Công chánh, tên đầy đủ là Sở Công chánh Trung kỳ (Département des Travaux Publics de l’Annam), cơ quan của Pháp lo việc xây dựng công trình công cộng ở Trung kỳ bấy giờ.
Sách báo lâu nay đều ghi rằng M. Girard là người phát hiện ra Bạch Mã và chỉ huy việc làm con đường lên đỉnh, mở đầu cho cuộc đánh thức vùng rừng núi này. Nhưng ai là người trực tiếp tổ chức thi công con đường này? May thay, trong tàng thư của Hội những người bạn của Huế xưa (ra đời năm 1914, mới phục hồi hoạt động vào năm 1996), chúng tôi đã tìm được một số tài liệu rất quý, cho hay người trực tiếp mở con đường lên đỉnh núi Bạch Mã và kiến thiết nên trạm nghỉ dưỡng trên cao này là kỹ sư Raoul Desmarets - một cái tên mà sách báo lâu nay hầu như không thấy nhắc tới.
Trong một tài liệu mang số hiệu "AP1660-Desmarets", Jacques Desmarets - con trai của Raoul Desmarets - đã kể lại rất chi tiết cuộc khai sơn Bạch Mã của cha mình. Jacques cho biết tháng 11-1932, ngài kỹ sư trưởng thành phố Huế (tức M. Girard) đề nghị Raoul Desmarets quản lý toàn bộ hệ thống đường sá, công trình công cộng ở tỉnh Thừa Thiên. Ngày 23-12-1932, Raoul Desmarets đưa gia đình từ Gia Lai về sống ở Huế.
"Ngày 1-3 (1933), bố tôi lên đường để thu thập thêm thông tin về một ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, tên là Bạch Mã, "núi ngựa trắng", cao đến 1.450m, nằm cách Huế khoảng 42km về phía nam... Ngài khâm sứ Trung kỳ và bố tôi mong muốn xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên cao ngay tại kinh đô Huế, giống như Đà Nẵng đã mở khu Bà Nà ở phía tây thành phố... 
Bố tôi mở một con đường dẫn lên đỉnh núi, một khoảng thời gian sau đó ông khám phá hết thắng cảnh nơi đây và quay trở xuống. Ông đã tìm thấy những gì mình muốn. Bố tôi trình bản báo cáo lên ngài khâm sứ. Ngài khâm sứ M. Grafeuil đã bị thuyết phục và giao cho ông ấy nghiên cứu dự án".
Ngày 5-5-1934, con đường dài chừng 20km dẫn lên đỉnh núi Bạch Mã hoàn thành với sự tham gia của hơn 500 phu đường. Tuy nhiên, lúc này mới là con đường mòn, chỉ có thể đi bộ hoặc bằng kiệu ghế có người gánh. Đến cuối năm 1935, những du khách đầu tiên đã lên đến đỉnh Bạch Mã bằng cách đó. 
Raoul Desmarets tiến hành quy hoạch một khu đất trên đỉnh núi để xây dựng khu nghỉ mát. Năm 1936, những ngôi nhà nghỉ đầu tiên ra đời trên khu vực đỉnh Bạch Mã, trong đó có nhà của Raoul Desmarets.

Ngôi nhà của kỹ sư R. Desmarets trên núi Bạch Mã - Ảnh: A.A.V.H.
Ngôi nhà của kỹ sư R. Desmarets trên núi Bạch Mã - Ảnh: A.A.V.H.
Trạm nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương
"Nhà này ở đỉnh ngọn núi, nhà kia ở bên sườn đồi. Cái thì xây trên nền đất đá, cái thì sàn bằng gỗ... Chủ nhân các ngôi nhà đó là những quan chức người Pháp, người Việt của bộ máy chính quyền bảo hộ và của chế độ Nam triều. Đa số ở Huế, một số đến từ các tỉnh lỵ lân cận. Họ đem gia đình lên nghỉ cuối tuần ở Bạch Mã. Có gia đình ở cả mấy tháng trời". 
Đây là một đoạn hồi ức trong bài "Tìm lại Bạch Mã xưa" của nhà thực vật học Thân Trọng Ninh, người gắn bó với Bạch Mã suốt những năm từ 1940 đến 1945. Đó cũng là thời kỳ đỉnh cao vàng son của Bạch Mã. Tạp chí Indochine ra ngày 16-9-1943 giới thiệu Bạch Mã là trạm nghỉ mát trên cao nổi tiếng của Đông Dương.
Ông Ninh cho biết vào giai đoạn phồn thịnh này, trên núi Bạch Mã đã có cả tòa nhà đại diện của chính phủ Nam triều (triều Nguyễn). Phía nhà nước bảo hộ Pháp có nhà của tòa khâm sứ Trung kỳ, công sứ Thừa Thiên, Sở Công chánh Trung kỳ, bưu điện, thủy lâm (kiểm lâm), hải quan, ngân hàng nông nghiệp... 
Các quan Tây như chánh mật thám Trung kỳ Sogny, giám đốc các sở nông lâm, công chánh Trung kỳ, các giáo sư người Pháp của Trường Khải Định (Quốc Học) và Đồng Khánh, thương gia Imbert, ký giả De Laforge, cùng các quan thượng thư Tôn Thất Quảng, Hồ Đắc Khải, quan tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, tuần phủ Sơn Tây Thân Trọng Yêm, các thương gia Nguyễn Văn Lễ, Viễn Đệ... đều có nhà nghỉ ở đây. Vào mùa hè, các quan Tây và Nam triều lên đây ở cả tháng trời để tránh nóng...
Một đô thị trên đỉnh núi
Quan Tây và quan ta lên núi bằng xe riêng. Du khách thì lên núi bằng chuyến xe xuất phát từ khách sạn Morin. Khách xa thì đi tàu hỏa đến ga Cầu Hai dưới chân núi, có xe đợi sẵn đưa lên núi. Hai khách sạn Morin và Balny dành cho du khách không có nhà nghỉ riêng. Hai cửa hàng tạp hóa Chaffanjon và SOCOA cùng nhà hàng Morin Frères lo việc cung cấp thức ăn cho cả thị trấn nghỉ mát. 
Hằng ngày đều đặn có xe từ Huế mang lên núi bánh mì, bơ sữa, thịt, rượu và trái cây. Rau tươi, trái cây bản địa và thủy sản do người dân từ dưới núi mang lên. Ông Ninh kể rằng họ đi từng đoàn từ mờ sáng, phải đốt đuốc và khua chiêng mõ để xua đuổi thú dữ, gồng gánh đủ thứ tôm, cá, cua, ghẹ, chuối, mít, thơm, nhãn... lên núi họp chợ mỗi ngày...
Theo TS Trần Đình Hằng (Phân viện nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật VN tại Huế), sau khi vua Bảo Đại ra đạo dụ công nhận quyền sở hữu bất động sản tại Bạch Mã, đã có 60 lô đất trên đỉnh núi được bán đấu giá. Tháng 5-1939, chính phủ bảo hộ Pháp đã ban hành nghị định thiết lập khu nghỉ dưỡng Bạch Mã theo quy chế đô thị. 
Tính chất đô thị còn được thể hiện rõ nét trong bản quy chế an ninh cho khu trung tâm đô thị Bạch Mã, theo quyết định của tòa khâm sứ Trung kỳ. Từ năm 1940-1944 là thời kỳ phồn vinh nhất của Bạch Mã, không chỉ là khu nghỉ mát mà nơi đây còn là "thủ đô mùa hè" của chính phủ Nam triều và nhà nước bảo hộ Pháp.
Bạch Mã với dòng thời gian
Năm 1932: kỹ sư trưởng M. Girard phát hiện khu vực Bạch Mã.
1933-1934: kỹ sư Raoul Desmarets khảo sát con đường và quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi.
1934: hình thành một lối đi bộ từ chân núi lên đỉnh, du khách lên núi bằng ghế kiệu.
1935: những khách du lịch đầu tiên lên đến đỉnh núi.
1936: xây dựng các ngôi nhà đầu tiên trên đỉnh.
1937: đường lên núi được trải nhựa một đoạn.
1938: đường nhựa lên đến km19 gần đỉnh núi.
1939: Khâm sứ Trung kỳ ra nghị định thành lập khu nghỉ dưỡng Bạch Mã theo quy chế đô thị.
Năm 1943: 139 biệt thự được xây dựng ở trung tâm đô thị Bạch Mã.
Tháng 3-1945: quân Nhật chiếm Bạch Mã và người Pháp rời bỏ nơi này.(Nguồn: Vườn quốc gia Bạch Mã)
Ngọn linh sơn đó là trường học thiên nhiên vĩ đại mà Liên hội hướng đạo Đông Dương đã chọn làm trại huấn luyện từ năm 1937, nơi tụ hội nhiều anh hào nước Việt.
Kỳ tới: Trường học đặc biệt trên đỉnh Linh Sơn
MINH TỰ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.