(GLO)- Việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp đã tiếp thêm động lực để hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn Gia Lai vươn lên trong cuộc sống.
Trước đây, gia đình chị H'Than (làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) là một trong những hộ nghèo nhất làng. Chị chia sẻ: Từ năm 2018 trở về trước, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ phường hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Từ khi được hỗ trợ bò, chị cải tạo khu đất ven ruộng trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Sau 4 năm, đàn bò tăng lên 8 con. Cùng với nuôi bò, chị còn trồng rau để cải thiện thu nhập gia đình.
Gia đình chị H'Than (thứ 4 từ trái sang) được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế. Ảnh: Nhật Hào |
Câu chuyện thoát nghèo của gia đình chị H'Than làm chúng tôi nhớ tới gia đình anh Ksor Rên ở làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Sau khi lập gia đình, anh Ksor Rên được bố mẹ cho hơn 2 ha đất. Năm 2018 và 2019, được UBND xã hỗ trợ 200 cây điều giống và 70 cây mít Thái, vợ chồng anh đã trồng phủ kín toàn bộ khu đất này. Năm 2020, được UBND xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo 50 triệu đồng, anh mua 3 con bò về nuôi. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 7 con. Gia đình anh đã thoát nghèo. Với quyết tâm làm giàu, mới đây, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, anh tiếp tục mua thêm 4 con bò về nuôi. “Thời gian trước, tôi chỉ biết đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Kể từ khi được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và sau đó là vốn ưu đãi, được hướng dẫn cách thức sản xuất, gia đình tôi đã có động lực để vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, ngoài đàn bò 11 con, vườn mít sắp cho thu hoạch thì gia đình tôi thu gần 40 triệu đồng từ vườn điều”-anh Rên cho hay.
Những năm qua, với phương châm trao “cần câu” để người dân vươn lên thoát nghèo, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh hoặc kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ thêm. Trong đó, phổ biến là các mô hình hỗ trợ bò, dê, heo giống, các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, các giống lúa chất lượng cao, hỗ trợ các loại phân bón chất lượng... Đáng chú ý, ngoài hỗ trợ cây-con giống, vật tư nông nghiệp, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể còn hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, đồng thời, thường xuyên theo dõi để nắm tình hình cũng như động viên tinh thần hộ nghèo. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hộ trở nên khá giả và quay trở lại giúp đỡ các gia đình khó khăn hơn, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
NHẬT HÀO