Khi một người bị nhiễm COVID-19 không chỉ bản thân họ phải cách ly điều trị, hậu quả kéo theo đó là nguy cơ lây nhiễm cho những người thân trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Những nguy cơ nhiễm COVID-19 cứ "móc xích" vào nhau, theo thời gian nối dài lan rộng trong cộng đồng nếu không được phát hiện ngăn chặn.
Minh chứng cho sự nguy hiểm này không đâu xa khi ở TP.HCM vừa phát hiện ba nguồn lây từ trong cộng đồng. Đó là tại thánh đường Hồi giáo ở Q.8, buổi tiệc Patrick day tại quán bar Buddha, Q.2 và một đám tang ở huyện Bình Chánh.
Ở phần lớn các nguồn lây này đều có đặc điểm chung là nơi đông người, có sự hiện diện của người về từ vùng dịch đang được cách ly.
Dù có biện minh thế nào cũng rất khó để cộng đồng chấp nhận cho hành vi bất cẩn của bệnh nhân thứ 100 nhiễm COVID-19 ở Q.8. Hay mới đây nhất một trường hợp du học sinh được xác định là bệnh nhân thứ 142 ở huyện Bình Chánh.
Chẳng khác "kịch bản" của bệnh nhân số 100 là mấy, người này đang trong giai đoạn cách ly chờ kết quả xét nghiệm nhưng vẫn "ra đường" đến bệnh viện, lãnh sự quán, đám tang - đều là nơi công cộng đông người.
Chẳng cần biết vô tình hay cố ý, hậu quả của việc làm ấy ập đến tức thì khi có đến 53 cán bộ, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người nhà của bệnh nhân tại đám tang phải cách ly.
Thế nhưng hai trường hợp nêu trên sẽ chẳng là gì so với bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận, lây nhiễm cho 11 người, có trường hợp lây đến thế hệ F2 (người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân).
Nói đến tất cả những trường hợp điển hình này để khẳng định một điều rằng ngay lúc này đây ý thức của mỗi người trong cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ gia đình và xã hội. Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong khống chế dịch bệnh là nhờ vào tinh thần cả xã hội cùng chống dịch.
Và khi "cuộc chiến" chống COVID-19 ở nước ta đang vào giai đoạn quyết định, nếu chỉ vì sự thiếu ý thức của một người có thể đẩy cộng đồng vào các "kịch bản" nguy hiểm.
"Kịch bản" ấy không chỉ nằm ở con số những ca bệnh được cập nhật từng ngày, từng giờ. "Kịch bản" ấy sẽ còn khủng khiếp hơn thế khi đẩy bao gia đình phải lâm vào cảnh ly tán bi thương; doanh nghiệp phá sản; người lao động mất việc; mọi hoạt động văn hóa xã hội đều phải trì hoãn vô thời hạn.
Vì vậy để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, ngay lúc này đây mỗi người chúng ta phải có ý thức và trách nhiệm với những người xung quanh, với từng việc làm hằng ngày và với từng nơi mình đến. Hãy ở nhà, bớt ra đường, không tụ tập.
Bởi chống COVID-19 là chuyện dài lâu, cần sự chung sức của cả cộng đồng, là trách nhiệm của mỗi công dân chứ không còn là chuyện của riêng ai.
Theo HOÀNG LỘC (TTO)