
Không phải lần đầu ở VN có chuyện các idol trên mạng xã hội bị khởi tố điều tra vì vi phạm pháp luật. Cũng trong dòng sự kiện mạng xã hội của những tháng đầu năm 2025, vụ TikToker Phạm Thoại kêu gọi từ thiện giúp đỡ bé Bắp điều trị ung thư máu với nhiều thông tin khuất tất cũng là một dấu chấm hỏi lớn; rồi vụ streamer ViruSs livestream có thu phí để đấu khẩu với người yêu cũ.
Nhưng trong dòng dư luận của cộng đồng mạng phản hồi về sự kiện này cho thấy không ít người cảm thấy rất đáng tiếc cho các idol.
Nhiều người tiếc cho Quang Linh Vlogs, vì từ chỗ là một idol thiện nguyện cộng đồng rất ấm áp giờ trở thành người đối mặt với tội danh lừa dối khách hàng. Nhiều người tiếc cho hoa hậu Thùy Tiên, người đã gầy dựng được nhiều sự tin tưởng của cộng đồng qua các hoạt động xã hội và thiện nguyện, rất có triển vọng trong lĩnh vực diễn xuất điện ảnh, giờ phải đối diện với nhiều thách thức trong sự nghiệp và hình ảnh cá nhân vì tham gia quảng cáo sai sự thật về kẹo Kera. Rồi "chiến thần livestream" Hằng Du Mục, sao lại phải bày trò lừa dối cộng đồng khi mà TikToker này có khả năng đạt hàng tỉ đồng doanh thu bán hàng mỗi phiên livestream? Rồi là tiếc cho Phạm Thoại, tiếc cho ViruSs. Bạn sẽ có bao nhiêu lần tiếc như thế nữa cho các idol?
Nhưng ngay cả sự tiếc nuối đầy lòng trắc ẩn cũng phải được đặt đúng chỗ. Xã hội mạng VN không thể là kiểu xã hội lặp đi lặp lại trò người nổi tiếng lợi dụng sự tín nhiệm của cộng đồng bày trò lừa dối, thậm chí lừa đảo, gây hại cho nhiều người rồi sau đó nói lời hối lỗi là xong. Nếu cứ thế thì "sự lừa dối số" (digital deception) sẽ sớm trở thành đặc sản của mạng xã hội, dung dưỡng những hành vi lợi dụng nền tảng số để thao túng nhận thức công chúng, làm xói mòn niềm tin cộng đồng, gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà còn về tâm lý, đạo đức và xã hội. "Sự lừa dối số" là hành vi cố ý sử dụng công cụ và nền tảng số (như mạng xã hội, livestream, deepfake, AI, thuật toán đề xuất...) để tạo ra hoặc lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu lầm hoặc thao túng nhận thức của người dùng nhằm đạt được lợi ích cá nhân hoặc tổ chức.
Vấn đề mà các nhà quản trị xã hội phải quan tâm về "lừa dối số" không chỉ là chuyện hậu quả, mà là chuyện hành vi này rất dễ được thực hiện, nhất là với những người đã tạo dựng được hình ảnh và niềm tin của cộng đồng mạng nhưng lại thiếu ý thức đạo đức và trách nhiệm xã hội để hành xử tương xứng với phẩm giá. Vậy nên, sự can thiệp pháp luật kịp thời và nghiêm khắc chính là "lằn ranh đỏ" để cảnh báo những người nổi tiếng, những người trẻ khởi nghiệp đình đám trên môi trường số không cho phép mình, dù chỉ là trong một lần sơ suất nào đó, buông lỏng trách nhiệm xã hội, làm những việc hại đời, hại người và hại luôn chính mình.
Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)