
Câu chuyện thứ nhất: Danh sách 1.645 doanh nghiệp nộp thừa từ hơn 100 triệu đồng đến cả hơn 2 tỉ đồng tiền thuế được Đội Thuế Q.Bình Thạnh (thuộc Chi cục Thuế khu vực II) công khai mới đây khiến thị trường ngã ngửa. Bởi trước nay chỉ thấy các doanh nghiệp (DN) kêu ca hoàn thuế chậm, xin giãn - giảm thuế chứ nộp thừa, mà thừa tiền tỉ nữa thì đúng là chuyện lạ. Lại càng lạ hơn vì số tiền nộp thừa này đã kéo dài tới hàng thập niên mà DN không được hoàn, cơ quan thuế cũng không bù trừ vào nghĩa vụ thuế ở kỳ nộp sau. Tới nay, Đội Thuế Q.Bình Thạnh phải công bố vì theo quy định hiện hành, khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì cơ quan thuế không hoàn trả và sẽ tất toán trên sổ kế toán nếu trong vòng 15 ngày không ai có ý kiến gì.
Với các khoản nộp thừa nhỏ thì có thể lý giải là người dân, DN quên, hay biết nhưng ngại mất thời gian nên không hoàn. Còn với các khoản thuế tiền tỉ (tiền tỉ thời ấy nếu tính ở thời điểm này thì giá trị cao gấp nhiều lần) mà DN bỏ lơ thì thú thật là rất khó hiểu, phải chăng họ không biết? Vì vậy câu hỏi đặt ra là khoản này vẫn treo trên hệ thống và suốt 10 năm qua, cơ quan thuế có báo cho DN không? Sao không bù trừ vào nghĩa vụ thuế ở kỳ nộp sau? Hoàn thuế tự động được không?... Nhìn rộng trên cả nước, liệu có còn những khoản thuế nộp thừa cứ nằm đó mà cá nhân, DN không biết để rồi theo thời gian, quá thời hạn được hoàn?
Câu chuyện thứ 2: Công ty Samsung (TP.HCM) bị ngâm hơn 582 tỉ đồng tiền thuế VAT cần hoàn trong 3 năm qua, nhưng chưa được cơ quan quản lý giải quyết. Câu chuyện được ông Kwon Choon Ki, Tổng giám đốc Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), nêu ra tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và DN Hàn Quốc ngày 25.3 vừa qua. Đây là lần thứ hai SEHC than phiền về việc chậm hoàn VAT. Trước đó là khoản thuế lên đến ngàn tỉ đồng bị chậm hoàn 2 năm. Câu chuyện thật ra không có gì mới, cũng chẳng có gì đặc biệt. Suốt nhiều năm qua, hàng trăm DN trong nước vẫn liên tục phản ánh tình trạng bị chậm hoàn thuế. Vì lẽ này, không ít công ty cụt vốn, đứng trước nguy cơ phá sản; lãnh đạo nhiều công ty chạy đôn chạy đáo, canh chờ chầu chực từ trực tiếp tới văn bản, từ kiến nghị tới năn nỉ... nhưng không ăn thua.
Cùng là thuế, DN nợ thuế thì danh sách bêu tên rất rõ, rất chi tiết. Nếu vẫn không trả thì sẽ bị áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế mà ồn ào nhất thời gian qua là cấm xuất cảnh với đại diện DN, kể cả nợ chưa đầy 1 triệu đồng thuế. Ngược lại, DN, cá nhân đóng dư thì không thấy ngành thuế nhiệt tình, kiên quyết tìm cách trả lại như vậy. Chắc chắn nếu nhà thuế gửi công văn thông báo nhiều lần, công khai danh sách sớm, liên tục thì có lẽ chẳng có những khoản nộp thuế dư tiền tỉ, tiền triệu... treo tới 10 năm, treo tới quá hạn được lấy lại như nói trên. Còn hoàn thuế chậm như trường hợp của Samsung thì rất nhiều. DN nội, DN ngoại; công ty lớn, công ty nhỏ... đều dính, đều đường dài trần ai.
Trở lại với bối cảnh hiện tại. Chính phủ vừa ban hành chỉ thị yêu cầu cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm nay. Đảng và Nhà nước cũng đang xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân... Tất cả đều tiến tới một mục tiêu quan trọng là tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận tiện, văn minh. Trong đó, thủ tục, chính sách, cách ứng xử về nghĩa vụ và trách nhiệm thuế công bằng, sòng phẳng là yếu tố quan trọng. Để mọi người dân đều cảm thấy hào hứng bỏ vốn làm ăn; các DN tăng cường mở rộng quy mô; là đất lành thu hút vốn ngoại...
Thu thuế hay hoàn thuế đều phải công bằng, sòng phẳng như nhau.
Theo Nguyên Minh (TNO)