Theo khảo sát nhanh của Thanh Niên trong 2 ngày từ khi mức thuế đối ứng lên đến 46% được công bố, hầu hết các doanh nghiệp đều sốc. Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định nếu thực sự bị áp mức thuế 46% thì hàng Việt không cạnh tranh nổi. Bởi đối thủ của dệt may VN tại Mỹ là Bangladesh, đối thủ của con tôm VN vào Mỹ là Ecuador... đều chịu mức thuế thấp hơn. Thế nên lúc này, kỳ vọng lớn nhất mà các DN gửi gắm chính là đàm phán cấp cao để giảm nhiệt tình hình.
Nhìn lại suốt chiều dài xuất nhập khẩu hàng hóa của VN, chúng ta cũng đã không ít lần đối mặt với các cú sốc thuế quan, phi thuế quan do các thị trường dựng lên. Bản chất vụ việc có thể khác nhau nhưng có một điểm chung khiến các DN gặp khó khăn hơn, đó là quá tập trung vào một thị trường. Đơn cử thanh long một thời dồn vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên lúc nào cũng phập phồng, bấp bênh. Đỉnh điểm vào năm 2020 - 2021, do chính sách "zero Covid" của nước này, hàng ngàn tấn thanh long xếp hàng ở cửa khẩu, khiến thương nhân và người trồng trong nước "khóc ròng". Rất nhiều giải pháp để mở rộng thị trường đã được bộ ngành, chính quyền địa phương thực hiện để giải cứu thanh long khi ấy.
Ngược về trước nữa là cá tra, cá basa. Từ những bước đi tự phát của một số hộ nuôi nhỏ lẻ và những cơ sở sản xuất thô sơ, cá tra bắt đầu "lớn" lên thành ngành sản xuất quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, do phát triển quá "nóng", đe dọa sản xuất cá nội địa Mỹ, cá tra VN đã bị 500 trại nuôi cá catfish thuộc Hiệp hội Nuôi cá Catfish (CFA) và 8 DN chế biến thủy sản Mỹ đệ đơn kiện chống bán phá giá. Mới ra biển lớn đã gặp ngay đối thủ mạnh, cá tra VN đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Dù vậy, bằng sự kiên trì, bền bỉ, năng động của mình, ngành xuất khẩu cá tra vẫn mang về tỉ USD cho đất nước mỗi năm. Giờ thì Mỹ vẫn là thị trường lớn của VN nhưng xếp sau Trung Quốc đại lục, Hồng Kông. Cá tra VN cũng đã "bơi" sang các thị trường trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Mở rộng thị trường, đặc biệt là các đối tác mà VN đã ký hiệp định thương mại tự do cũng là một trong những giải pháp trước mắt lẫn lâu dài mà lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành cùng các chuyên gia lưu ý DN. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của VN sang thị trường này chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. Đây là lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. Chuyện áp thuế đối ứng tới 46% hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất. Ở chiều ngược lại, các con số nói trên cũng cho thấy chúng ta còn nhiều cơ hội để khai thác phần thị trường mênh mông rộng lớn còn lại của thế giới.
Tất nhiên, việc ngay lập tức quay sang các thị trường khác không đơn giản, song, "gian nan thử sức" và chúng ta cũng đã có không ít bài học kinh nghiệm trong quá khứ. Còn nhớ trong thời điểm cam go của vụ kiện chống bán phá giá, kim ngạch xuất khẩu cá tra của VN vẫn tăng. Khi Trung Quốc siết tiểu ngạch, có DN ngay lập tức chuyển thẳng sang xuất khẩu chính ngạch hoàn toàn. Từ đó đến nay, xuất khẩu trái cây của DN này sang Trung Quốc luôn ổn định.
Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng nhưng không bỏ hết trứng vào một giỏ vẫn là nguyên tắc kinh doanh để giảm thiểu rủi ro, nhất là trong thời kinh tế biến động khó lường hiện nay.
Theo Nguyên Minh (TNO)

Mặt hàng nào của Việt Nam không bị Mỹ áp thuế đối ứng 46%?
