Đứng trước xu hướng phát triển như vũ bão của công nghệ, tinh thần “học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là kim chỉ nam, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo mỗi cá nhân có thể thích nghi với yêu cầu công việc ngày càng cao.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi căn bản cách vận hành của bộ máy hành chính. Nếu trước đây, suy nghĩ vào biên chế nhà nước để công việc ổn định, lương tuy không cao nhưng “nhàn hạ” thì bây giờ, để bắt kịp xu thế của thời đại, đội ngũ công chức, viên chức cũng không thể trì trệ, thiếu sáng tạo. Chính việc giữ “biên chế suốt đời” đã tạo ra sự trì trệ, khiến đội ngũ này không có động lực phấn đấu.
Trong bộ máy hành chính hiện đại, ai làm tốt sẽ được giữ lại, ai không làm được việc thì cần loại bỏ. Nếu trước đây, nhiều nơi vẫn có chuyện cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà vẫn hưởng lương đều đặn từ ngân sách nhà nước thì theo xu hướng mới, khi cơ chế biên chế thay bằng hợp đồng lao động có thời hạn và không có thời hạn sẽ kỳ vọng đem lại nhiều hiệu quả trong việc nâng cao năng suất công việc.
Nhìn chung, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính là rất cần thiết. Vì vậy, cần loại bỏ tư tưởng “sáng làm, chiều chơi”, đồng thời cương quyết xử lý những trường hợp cán bộ trì trệ, không chịu đổi mới, đảm bảo bộ máy hoạt động năng động, sáng tạo và hiệu quả.
Ngoài việc thay đổi hình thức biên chế trong nhà nước, đề xuất về việc giao chỉ tiêu KPI trong công việc có thể đem lại nhiều điểm sáng. Hiện tại, không ít cơ quan vẫn đánh giá công chức, viên chức dựa trên thâm niên thay vì hiệu quả công việc. Điều này tạo ra tâm lý vào làm việc tại các cơ quan nhà nước để có công việc ổn định thay vì cống hiến.
Những người trẻ khi mới tham gia công tác, dù có năng lực, nhiệt huyết và sáng tạo cũng khó có cơ hội được đề bạt vào những vị trí cao bởi thời gian cống hiến chưa nhiều, cần phấn đấu thêm nữa. Chính điều này đã trở thành rào cản, khiến người trẻ ngại thể hiện, sợ bị “đì” và nhiều người chọn phương châm “an phận thủ thường”, giao việc gì làm việc nấy, nhân viên không dám thể hiện mình “giỏi hơn sếp”.
Tôi rất đồng tình với nhận định của một vị đại biểu Quốc hội khi cho rằng: “Việc áp dụng KPI vào quản lý công chức và lãnh đạo không chỉ là yêu cầu khách quan và xu thế tất yếu. Muốn bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì đi kèm bộ máy đó phải là những nhân sự có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc”.
Chỉ khi nào khu vực công xác định rõ các tiêu chí, chỉ tiêu, quá trình thực thi, các nguồn lực, kết quả, khi đó mới có thể làm chủ được công nghệ, làm chủ được quá trình thực thi công vụ. Việc này đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức phải năng động, sáng tạo, tìm cách để giải quyết được công việc.
Làm như vậy sẽ thay đổi cả về tư duy quản lý của người đứng đầu và năng lực của mỗi cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Nếu đề xuất này nhận được sự đồng tình của toàn hệ thống chính trị thì đây có thể sẽ là cơ hội tạo nên sự phát triển đột phá. Ngược lại, nếu mỗi cá nhân đều mang tâm lý e sợ, né tránh sẽ tạo ra một rào cản rất lớn cho quá trình đổi mới.
Thiết nghĩ, để tăng năng suất, hiệu quả công việc trong xu thế mới, sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy ở các cơ quan nhà nước thì phải có thang đo, tiêu chuẩn đánh giá phù hợp, đúng người đúng việc. Những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cần được ghi nhận và khuyến khích, được trả lương thưởng, được bổ nhiệm vào các vị trí xứng đáng. Ngược lại, những người liên tục không đạt KPI thì cần phải đào thải. Đây là cách để tạo ra bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả và hoạt động vì lợi ích chung của xã hội.