Hôm qua, TP.HCM đã khởi công cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn trị giá ngàn tỉ đồng. Đây là một trong nhiều dự án, công trình được khởi công dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất.
Điều đặc biệt ở dự án được lãnh đạo TP đánh giá "giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo thêm các công trình điểm nhấn có giá trị đặc biệt trong quy hoạch TP" ở chỗ, đây không phải dự án công mà là món quà của một doanh nghiệp (DN) muốn tri ân mảnh đất đã nuôi dưỡng họ trưởng thành và phát triển - Công ty Nutifood.
Còn nhớ hơn 1 năm trước, khi dự án vừa được công bố, nhiều người cũng từng đặt câu hỏi về việc "cho đi để nhận lại"; người đứng đầu DN này đã chia sẻ, Nutifood là công ty dinh dưỡng thuần túy, chỉ tập trung các mặt hàng tiêu dùng phục vụ sức khỏe như sữa, thực phẩm... và không có ý định đầu tư bất động sản, hạ tầng để cần được ưu ái hay những điều kiện gì đặc biệt. Nên nếu hỏi họ tài trợ cây cầu để mong muốn nhận lại gì thì họ cũng... không biết. "Là DN thành lập sau ngày đất nước thống nhất, được nuôi dưỡng và lớn mạnh từ thành quả hòa bình của cha ông để lại, chúng tôi thấy vinh dự và trách nhiệm được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào KT-XH của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung", lãnh đạo công ty cho biết.
Trước đó khoảng 1 tuần, Tập đoàn Vingroup cũng tài trợ 1.000 tỉ đồng cho Đề án cấp cứu ngoại viện cấp quốc gia. Đây là dự án trọng điểm nhằm xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cấp cứu y tế và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khẩn cấp cho người dân trên toàn quốc.
Những câu chuyện như thế này ngày càng nhiều, ở khắp nơi, mọi lĩnh vực. Chỗ này DN cùng Chính phủ xóa nhà tạm, chỗ kia DN chung tay sát cánh với người dân phục hồi sau bão lũ... Có một điều hầu như ai cũng thấy, quan điểm phát triển của khối DN tư nhân Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Họ không dừng lại ở việc tạo ra lợi nhuận, giải quyết việc làm mà còn coi trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng là mục tiêu quan trọng hơn, lớn hơn. Ở chiều ngược lại, khi DN nhận thức được trách nhiệm của mình, họ tạo ra một hình ảnh tích cực trong mắt người tiêu dùng và xã hội. Từ đó, họ nhận được sự ủng hộ của khách hàng, của người tiêu dùng. Đó mới là cái mà các DN mong muốn nhận lại khi "cho đi".
Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân. Đề án được trông đợi rất lớn sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực quan trọng nhất để kinh tế tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Nhìn vào những hành động mà Vingroup, Nutifood, THACO, Hòa Phát, Sun Group... đang làm, có thể khẳng định, khối DN tư nhân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với sự ủy thác, tin cậy của Đảng và Nhà nước.
Trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng cũng là cơ hội để khối kinh tế tư nhân Việt Nam xây dựng giá trị cốt lõi, văn hóa DN. Từ đó sẽ hình thành đội ngũ DN lớn mạnh, trường tồn, là rường cột của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo NGUYÊN THANH (TNO)